NGUYỄN THỊ ĐIỂM
Thị Điểm người huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương(1), em gái ông Tiến sĩ Nguyễn Trác Luân. Lúc lên 5, 6 tuổi, học sách Hán Cao Tổ, anh có ra câu đối rằng:
“Bạch xà đương đạo Quí bạt kiếm nhi trảm chi”.
Thị Điểm đối rằng:
“Hoàng long phụ chu Vũ ngưỡng thiên nhi thán viết”. (2)
Anh chịu câu ấy là tài, tự bấy giờ cho chuyên tập về nghề nghiên bút. Đến năm 15 tuổi, văn chương đã giỏi lắm. Một khi ngồi trước cửa sổ soi gương, anh ra câu đối rằng:
“Đối kinh họa mi nhất điểm phiên thành lưỡng điểm”. (3)
Thị Điểm ứng khẩu đối rằng:
“Lâm trì ngoạn nguyệt chích luân chuyển tác song luân”. (4)
Thái học Sinh là Đặng Trần Côn nghe tiếng Thị Điểm hay chữ, đưa thơ đến có ý muốn ghẹo.
Thị Điểm xem thơ cười nói rằng:
- Trẻ thơ mới học, thơ từ chẳng bõ ngứa tai!
Đặng Trần Côn tức giận trở về, cố công đi học, mới thành danh sĩ.
Bấy giờ tiếng Thị Điểm lừng lẫy chốn kinh thành. Các học trò hay chữ ai cũng muốn trêu ghẹo. Một hôm có Nguyễn Huy Kỳ ở Thụy Nguyên, Trần Danh Tân ở Cổ Am, Nguyễn Bá Cư ở Cổ Đô, Võ Toại ở Thiên Lộc, bốn người ấy có tiếng hay chữ, người ta thường gọi là “Tràng an tứ hổ” (nghĩa là bốn con hổ ở chỗ Tràng an). Bốn người đến chơi tận nhà Thị Điểm, muốn thử làm thơ với nhau.
Thị Điểm ra câu đối rằng:
“Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang”. (5)
Bốn người không đối được, phải xấu hổ trở về.
Lại một khi Thị Điểm đi thủng thẳng một mình, gặp quan Thượng thư là Nguyễn Công Hãng ở ngoài đường. Công Hãng bắt Thị Điểm vừa đi vừa ngâm một bài thơ: “Đi một mình”.
Thị Điểm ngâm ngay rằng:
“Đàm đạo cổ kim tâm phúc hữu”, (6)
“Chu toàn tả hữu cổ quăng thần”. (7)
Công Hãng khen hay, thưởng cho 10 quan tiền.
Trong thời Long Đức (đời vua Thần Tôn nhà Lê), có sứ Tàu sang phong vương. Hoàng thượng sai Thị Điểm đứng chực ở ngoài của Đoan môn. Thị Điểm có ý muốn trêu ghẹo sứ giả. Sứ giả nói đùa một câu rằng:
“An Nam nhất thốn thổ bất tri kỉ nhân canh?”
Thị Điểm đối rằng:
“Bắc quốc đại trượng phu giai do thử đồ xuất!” (8)
Thị Điểm kén chồng kỹ lắm, không ai lấy được. Ngoài 20 tuổi, mới lấy lẽ quan Thượng thư ở huyện Từ Liêm là Nguyễn Kiều. Hai vợ chồng quí trọng nhau như vàng.
Thị Điểm có làm ra bộ sách “Tục truyền kỳ” lưu truyền ở đời. (9)
HẾT NAM HẢI DỊ NHÂN - MỜI XEM "VIỆT ĐIỆN U LINH TẬP" CỦA LÝ TẾ XUYÊN
NAM HẢI DỊ NHÂN VĂN CỨNG CỎI LỜI ÍT Ý NHIỀU, LÀ MỘT TẬP VỀ TIỂU SỬ, VỀ SỰ NGHIỆP CÁC BẬC ANH HÙNG HÀO KIỆT CHÍ SĨ CAO NHÂN NƯỚC TA.
(Nhà văn hiện đại)
CHÚ THÍCH:
(1) Đăng khoa lục cho là người Bình Lao, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Tang thương lục cho là người Bắc Giang, chưa biết đích lời nào là phải.
(2) Hai câu dùng chữ sẵn mà chọi nhau từng chữ, cho nên tài.
(3)
Nghĩa là soi gương vẽ lông mày, một nét hóa ra hai nét. Điểm là nét vẽ, lại là tên bà ấy, có ý một nàng Điểm hóa ra hai nàng Điểm nữa.
(4) Nghĩa là cạnh sông xem bóng trăng, một vừng giống như hai vừng. Luân là vừng trăng, vừa là tên anh. Có ý một ông Luân thành ra hai ông Luân nữa.
(5) Thiếu nữ một nghĩa là gió, một nghĩa là con gái nhỏ. Tân lang một nghĩa là cau, một nghĩa là rể mới. Câu này nghĩa là: Trước sân gió động cây cau và có thêm ý con gái nhỏ mời rể mới ăn trầu, cho nên khó đối.
(6) Bàn bạc chuyện xưa nay, có người lòng ruột.
(7) Chung quanh bên tả hữu, có bầy tôi chân tay.
(8) Nghĩa là: Một tấc đất An Nam, chẳng biết mấy người cày đại trượng phu Bắc quốc, đều do đường này ra (BT).
(9) Nguyễn Thị Điểm tức Đoàn Thị Điểm, tương truyền là người đã diễn “Chinh phụ ngâm khúc” của Đặng Trần Côn ra chữ nôm (BT).