NAM HẢI DỊ NHÂN LIỆT TRUYỆN
PHAN KẾ BÍNH - Kim-giang LÊ VĂN PHÚC
LƯƠNG THẾ VINH
Lương Thế Vinh hiệu là Thụy Hiên, người ở làng Cao Hương, huyện Thiên Bảo, tỉnh Nam Định. Khi còn bé đã có tiếng đồn là thần đồng. Đến năm 23 tuổi thi đỗ Trạng nguyên trong năm Quang Thuận đời vua Thánh Tôn nhà Lê.
Tục truyền Thế Vinh đã thác sinh ở huyện Nam Xang. Khi lên 7, 8 tuổi, cùng với trẻ con đi học. Bên cạnh đường có một con chó đá, mỗi khi Thế Vinh đi qua, thì con chó đá vẫy đuôi mà mừng.
Về nói chuyện với cha, cha bảo rằng:
- Nó đã biết vẫy đuôi, thì hẳn nó cũng biết nói, thử hỏi vì cớ gì mà mừng.
Hôm sau Thế Vinh đi qua, con chó ấy lại vẫy đuôi. Thế Vinh hỏi, thì nó nói rằng: “Ngày sau ông đỗ Trạng nguyên cho nên tôi mừng thay cho ông”.
Thế Vinh về nhà lại nói với cha như thế. Cha tự bấy giờ chắc ngày sau con làm nên, sinh ra kiêu ngạo, thường hay tranh cạnh với người ta và đe rằng:
- Mai sau con ông đỗ Trạng, ông sẽ hỏi tội cho chúng bay.
Thế Vinh thấy cha như thế, can mãi mà cha không nghe, có ý không bằng lòng, buồn rầu mà bảo với mẹ rằng
- Mẹ có đức hiền hậu mà cha thì kém đức. Con không ở đây nữa, xin từ đi chỗ khác đây.
Mẹ ngạc nhiên thất sắc nói rằng:
- Sao con nói gở ra thế? Công cha nuôi con bấy nhiêu nay, mong con mai sau khá giả, để mà nương nhờ, con đã lấy gì trả ơn cha nghĩa mẹ, mà dám nói càn như vậy
Thế Vinh khăng khăng một mực xin đi. Mẹ khuyên dỗ trăm chiều, nhưng cũng không sao giữ được, mới khóc mà bảo rằng:
- Vậy thì con định đi đâu? Con bảo cho mẹ được biết.
Thế Vinh dặn mẹ cứ đến ngày ấy tháng ấy đến làng Cao Hương, huyện Thiên Bản thì biết, vào dặn giữ lại các sách của mình học. Nói xong thì mất.
Bấy giờ vận nước Nam đang thịnh, người Tàu xem thiên văn, thấy văn tinh giáng xuống nước Nam, mới sang nước ta tìm phương trấn áp. Khi Thế Vinh còn ở Nam Xang, đi chơi với một lũ trẻ con. Người Tàu trông sao, biết văn tinh ở trong đám trẻ con ấy, nhưng chưa biết đích đứa nào. Mới lấy một quả bưởi bỏ vào hố sâu, đố đám trẻ ấy lấy được quả bưởi lên thì thưởng tiền. Thế Vinh không ra mặt lấy, nhưng xui một đứa khác múc nước đổ vào hố cho đầy, rồi quả bưởi nổi lên thì lấy. Người khách gạn hỏi đám trẻ biết là mưu mô tự ông Thế Vinh, muốn tìm phương kế để trừ ông ấy đi.
Người khách chưa kịp dùng mẹo thì ông ấy mất. Trông xem thiên văn, biết thần(1) ấy chạy sang làng Cao Hương, mới đuổi theo đến tận làng ấy, thì thấy thần ông ấy đã nhập vào trong hòn đá to. Người khách hỏi người chủ có hòn đó, xin mua. Người chủ tưởng là nó hỏi đùa mình, mới nói bỡn rằng: “Hòn đá này phải 100 quan tiền mới bán”. Người khách trả đến 70 quan, người chủ không biết thế nào, tưởng là nó đến cợt mình, nhất định không bán. Người khách thấy không bán, giả tảng đi nơi khác. Xảy có người đàn bà ở ngoài đồng đi về, thấy chúng xúm xít lại nói chuyện người khách hỏi mua hòn đá. Người đàn bà mới giẵm chân vào hòn đá mà nói rằng:
- Hòn đá này mà quí hóa gì mà nó mua đắt đến thế?
Không ngờ thần ông ấy ở trong hòn đá, từ bấy giờ đầu thai ngay vào người đàn bà ấy.
Hôm sau người khách trở lại, toan cố vật nài để mua hòn đá cho được. Người có đá cũng định bán vậy cho nó. Nhưng khi đến nơi thì người khách trông hòn đá, biết thần đã xuất mất rồi, mới nói rằng:
- Bây giờ thì một đồng cũng chẳng mua nữa.
Người khách biết là không thể nào trấn áp được, mới trở về Tàu.
Khi Thế Vinh mới sinh ra, ngày đêm chỉ một vị khóc, cha mẹ, hàng xóm thay nhau ôm ẵm cũng vậy. Người mẹ trước nhớ lời con dặn, hỏi thăm đến tận làng ấy, nghe có một nhà mới đẻ con trai, mà chỉ khóc cả ngày lẫn đêm. Hỏi đến tận nhà vào chơi, xin chủ nhà ẵm đứa bé một tí, từ đấy đứa bé mới thôi khóc. Bà kia mới kể chuyện đầu đuôi con mình với nhà chủ, từ đó thường thường đi lại coi như con mình.
Đến khi Thế Vinh mới lớn lên, bảo với bà mẹ trước rằng:
- Những sách của tôi thuở trước, cùng là tôi có món tiền chôn ở dưới gốc cây chuối thì đem đến đây cho tôi.
Bà kia về đào dưới gốc cây chuối, thì quả nhiên thấy có món tiền, mới đem cả sách và món tiền sang đưa cho Thế Vinh. Cha mẹ đẻ mới lấy làm tin, nuôi bà kia ở đấy một thể.
Thế Vinh học đến đâu, như người học ôn lại. Đến năm 23 tuổi thi đỗ Trạng nguyên.
Vua Thánh Tôn thấy Thế Vinh là người hay chữ, dùng làm chức Hàn lâm thị thư chưởng viện. Bao nhiêu tờ bồi giao thiệp với nhà Minh tự tay Thế Vinh soạn ra cả. Người Tàu phải chịu nước Nam có tay văn chương giỏi.
Bộ Đại hành toán pháp là của Thế Vinh làm ra.
Thế Vinh làm quan không được bao lâu thì về trí sĩ. Tính hay khôi hài, lúc về quan rồi, thường chỉ mặc cái áo vải, chơi bời với người trong làng.
Một hôm, ngồi chơi với một vài người ở trong làng, xảy nghe có quan huyện đi qua. Quan huyện xưa nay hách dịch, đi đến đâu rầm rầm đến đấy. Mấy người ngồi hàng đứng dậy tránh cả, chỉ còn một mình Thế Vinh ngồi chơi. Khi quan huyện đến, sai lính vào hàng bắt phu khiêng võng. Lính không biết ông ấy là ai, bắt ra khiêng. Thế Vinh cũng khiêng.
Đi được một lát, ông ấy gặp người làng, nhắn bảo rằng:
- Nhờ bác bảo hộ thằng học trò tôi là Thám hoa làng Vân Cát tên nó là Trần Công Bích, bảo nó ra khiêng đỡ võng quan huyện cho tôi, kẻo tôi mệt quá, không đi được.
Ông huyện nằm trong võng, nghe thấy câu ấy, chẳng khác gì sét đánh ngang tai, giật mình ngã lăn xuống đất, rồi đứng dậy lạy thì thà thì thụp, kêu là không biết, xin thứ tội cho.
Thế Vinh cười bảo rằng:
- Ông là quan huyện, bắt tôi khiêng võng thế là phải, có việc gì mà tạ!
Ông huyện kia vật đầu vật tai kêu van mãi, Thế Vinh mới bảo rằng:
- Có phải thế là từ rầy chớ nên bắt phu khiêng võng nữa bác nhé!
Ông huyện vâng vâng dạ dạ, xin khiêng trả võng rước ngài về nhà. Thế Vinh không khiến, người trong làng đổ ra đón Thế Vinh về.
Về sau Thế Vinh mất, được phong làm Thượng đẳng phúc thần. Con là Hiến Công, có công với nước, cũng được phong làm phúc thần. Ngôi mộ ông Thế Vinh đến giờ vẫn còn ở làng Cao Hương.
Khoa Thế Vinh đỗ, Nguyễn Đức Trinh thi đỗ Bảng nhãn, Quách Đình Bảo thi đỗ Thám hoa, ba người cùng có tiếng hay chữ từ thủa nhỏ. Vua có thêu ba lá cờ ban cho mỗi người một lá, để cho vinh qui.
Trong cờ thêu bốn câu rằng:
Trạng nguyên Lương Thế Vinh,
Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh,
Thám hoa Quách Đình Bảo,
Thiên hạ cộng tri danh. (2)
Tục truyền khi Thế Vinh còn nhỏ, nghe tiếng Quách Đình Bảo hay chữ, hỏi thăm đến chơi. Đến nhà thấy Đình Bảo đang học ở trong buồng. Thế Vinh trở ra về ngay, nói rằng: “Anh ấy không sợ”. Nghĩa là thi đến nơi rồi mà còn phải học thì hèn lắm, không đủ sợ chi. Về sau, Đình Bảo cũng hỏi thăm đến chơi nhà Thế Vinh thì thấy ông ấy đi chơi thả diều vắng, Đình Bảo than rằng: “Thi đến nơi rồi, mà không cần gì phải xem sách, đó mới thực là thiên tài!”. Nhân thế biết mình không bằng ông ta, xấu hổ trở về.
CHÚ THÍCH:
(1) Theo quan niệm xưa, con người chết đi vẫn còn giữ được phần tinh anh của mình (BT).
(2) Người trong thiên hạ đều biết danh (BT).
MỜI ĐỌC TIẾP KỲ THỨ 17: VŨ CÔNG DUỆ
Gửi ý kiến của bạn