VŨ CÔNG DUỆ
Công Duệ người làng Trình Xá, huyện Sơn Vi, tỉnh Sơn Tây. Khi còn nhỏ, cha mẹ đi cầy vắng nhà, Công Duệ chơi với một bọn trẻ con, nặn đất làm con voi, bắt hai con bươm bướm làm hai tai, cắm con đĩa làm vòi, lấy bốn con cua làm chân. Thành ra con voi đất mà vẫy được tai, vòi co lên quắp xuống và chân đi được, ai trông thấy cũng cho là tinh quái.
Một khi, có người đến đòi nợ, hỏi rằng:
- Bố mày đâu?
Đáp lại:
- Bố tôi đi giết người.
- Mẹ mày đâu?
Người đòi nợ lấy làm lạ, không biết nói thế là ý tứ ra làm sao, hỏi căn vặn mãi thì nói rằng:
- Hễ có tiền thưởng thì tôi sẽ nói rõ cho mà biết.
Người kia mới dỗ bảo rằng:
- Mày cứ nói đi cho thật, tao sẽ tha nợ cho nhà mày không đòi nữa.
Công Duệ sẵn cầm một cục đất dẻo, bảo người kia in tay vào đấy để làm tin.
Người kia cũng thử in tay vào xem nói ra làm sao. Công Duệ mới nói rằng:
- Cha tôi đang nhổ mạ mà mẹ tôi thì đang cấy.
Người kia lấy làm kì dị. Hôm khác lại đến đòi nợ. Công Duệ đưa ngay hòn đất hôm trước ra, và nói rằng:
- Tay ông ký vào đây, còn đòi gì nữa?
Người kia đứng ngẩn mặt ra, không biết nói lại ra làm sao, nhân khuyên cha mẹ Công Duệ cho đi học, và giúp món nợ ấy để lấy tiền mua sách.
Công Duệ học thông minh lắm, nội các sách vở, chỉ học qua một lượt là thuộc. Đến năm Hồng Đức thứ 23 đời vua Thánh Tôn nhà Lê, Công Duệ đã ngoài 20 tuổi, thi đỗ Trạng nguyên khoa ấy.
Lúc làm quan, tính khí cương trực, vua cất lên làm Đô ngự sử, các quan ai cũng kính sợ.
Đến khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, đình thần nhiều người a dua về Mạc Đăng Dung, ai không nghe phải giết. Đăng Dung sai người dụ Công Duệ theo về làm quan với mình, Công Duệ chửi mắng rầm rã, nhất định không thèm theo kẻ nghịch thần nhưng liệu mình cũng không thoát được tay nó, mới đeo cả quả ấn Ngự sử đâm đầu xuống cửa bể Thần Phù mà chết.
Cách 60 năm nữa, nhà Lê trung hưng, khôi phục được kinh thành Thăng Long, sai đúc ấn Ngự sử, thì đúc mãi không thành được quả ấn, mới sai người lặn xuống cửa bể Thần Phù tìm quả ấn trước. Người lặn xuống đến nơi thì thấy Công Duệ vẫn mặc áo đội mũ chỉnh tề, cổ đeo túi ấn, ngồi xếp bằng tròn ở dưới đáy bể như thuở sinh thời.
Người ấy sợ hãi, lên tâu chuyện với vua Trang Tôn. Vua lấy làm lạ, chắc là bụng tinh thành của Công Duệ kết lại, mới sai quan làm lễ khấn bái, rồi sai người đem xác Công Duệ lên, dùng lễ khâm liệm, bỏ vào áo quan, làm ma đưa về đến làng Trình Xá an táng, truy phong làm Thượng đẳng phúc thần.
MỜI ĐỌC TIẾP KỲ THỨ 18: GIÁP HẢI