ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN - LITTLE SAIGON  - WESTMINSTER - CALIFORNIA
TRẦN HƯNG ĐẠO FOUNDATION (ĐỀN THÁNH TRẦN LITTLE SAIGON)
9078 BOLSA AVENUE tức ĐẠI LỘ TRẦN HƯNG ĐẠO - WESTMINSTER - CA 92683
ĐIỆN THOẠI: (657) 296-7889 | EMAIL: denthanhtran2022@gmail.com| WEBSITE: https://denthanhtran.org và tranhungdaofoundation.org
MỞ CỬA HÀNG NGÀY TỪ 10 GIỜ SÁNG ĐẾN 4 GIỜ CHIỀU KỂ CẢ CUỐI TUẦN & NGÀY LỄ - CHÀO CỜ THỨ BẢY MỖI ĐẦU THÁNG LÚC 10AM

NHỮNG CÂU ĐỐI LỪNG DANH KIM CỔ Ở ĐỀN THÁNH TRẦN NHA TRANG

15 Tháng Mười Hai 20219:37 CH(Xem: 6651)


 BV NHA TRANG 1

 

 

NHỮNG CÂU ĐỐI LỪNG DANH KIM CỔ
Ở ĐỀN THÁNH TRẦN NHA TRANG

 

Hình ảnh từ : baoanhdatmui.vn, phatgiao.org.vn

Đền thờ Trần Hưng Đạo tọa lạc tại số 124 đường Nguyễn Trãi được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh hướng về cội nguồn của những người dân miền Bắc vào Khánh Hòa sinh sống vào đầu những năm 20 của thế kỷ trước.  Lúc đầu đền được tạo lập tại một khu đất nhỏ ở phường Xương Huân, (Nha Trang), sau đó do sáng kiến của Hội Ái Hữu Bắc Việt Khánh Hoà do các cụ Trần Minh Kính, Nguyễn Văn Nhật, Nguyễn Văn Nhâm,  Nguyễn Văn Thiện, Lê Thị Mùi, Nguyễn Văn Long, Đặng Hữu Cừ, Nguyễn Đức Giãn…đứng ra khởi xướng  xin đất, quyên tiền để xây lại Vọng từ khang trang hơn hầu xứng với công đức của Đức Thánh Trần Hưng Đạo.

BV NHA TRANG 2
Bia văn hóa Đền Thánh Trần Nha Trang

Sau 8 năm vận động, tịnh tài, tịnh vật, tích luỹ kinh phí, ngày 28 tháng 3 năm Nhâm Dần (1962) đền được khởi công xây dựng tại Khu Đồng Dưa, phường Phước Hải, Nha Trang  (nay là số 124, đường Nguyễn Trãi, phường Phước Tân, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Trên diện tích rộng khoảng chừng 200m2, đền xây theo hướng Đông, hướng ra đường Nguyễn Trãi (Nha Trang) và Lễ khánh thành được tổ chức vào ngày 20 tháng 8 năm Nhâm Dần (1962).

BV NHA TRANG 5
Bia trích HỊCH TƯỚNG SĨ của Trần Hưng Đạo
BV NHA TRANG 3
 

BV NHA TRANG 4
Bàn thờ Đức Thánh

BV NHA TRANG 6
Hình ảnh một buổi cúng tại Đền


Sở dĩ Đền Đức Thánh Trần quay mặt về hướng đông là nhằm đón lấy ánh rực rỡ của mặt trời buổi sáng; hướng đông cũng là hướng những chiến công hiển hách của Trần Hưng Đạo còn lưu lại cho muôn đời con cháu mai sau và trên hết hướng đông cũng chính là hướng phát tích của Ngài như hai câu mở đầu Trần Thánh Đại Vương Bửu cáo: “Đông A đế trụ. Nam Đảo tiên tung”, nghĩa là: “ Cột trụ Nhà Trần. Giống Tiên Nam Đảo”. Chọn quay mặt về hướng đông, đền Trần đã xác định lấy Vịnh Nha Trang một trong những vịnh đẹp nhất thế giới làm Tiền án, chọn khóm dân cư Đồng Dưa làm Hậu chẩm về mặt tâm linh lấy khu dân cư làm “điểm gối đầu” thật là cao kiến. Còn Tả phù, Hữu bậc của ngôi đền chính là Núi Một (Phước Tiến) và Núi Cảnh Long (Phương Sơn)– hai trong bốn ngọn núi tạo nên thế đất “Tứ thú tụ” của thành phố Nha Trang mà các nhà phong thuỷ gọi là “Kim Quy đới tháp” và “Thanh Long hý thuỷ”.

BV NHA TRANG 7
Chánh tế trong lễ húy nhật Đức Thánh năm 2017

Ngày nay, Ban Quản lý đền, hội viên, tín hữu, thập phương vẫn luôn tu bổ, giữ gìn nơi đây để cho con cháu muôn đời sau đến chiêm bái, ghi nhớ ân đức của Hưng Đạo Đại Vương, cầu phúc cho bản thân, gia đình và cầu cho Quốc thái dân an, thế giới hòa bình, nhân dân an lạc.

 Đền thờ Trần Hưng Đạo (Nha Trang) tuy chỉ là một Vọng từ, nhưng từ lâu đã trở thành một địa chỉ tâm linh văn hoá quen thuộc của người dân thành phố biển Nha Trang – Khánh Hoà và ngày càng thu hút nhiều du khách thập phương đến thăm viếng, chiêm bái. Thế mới biết người xưa thật chí lý khi nói: 

“Sơn bất tại cao hữu Tiên tất danh.
Thủy bất tại thâm hữu Long tất linh.”
Nghĩa là:
“Núi chẳng cần cao, có Tiên tất nên danh.
Sông chẳng cần sâu, có Rồng ắt linh hiển”.
 
“Bắc Nhạc giáng Thần, cứu quốc anh hùng danh vạn kiếp;
           
Nam Thiên hiển Thánh, tý dân công đức tự thiên niên.”
                 
Nghĩa là:

“Núi Bắc giáng Thần, muôn thưở lưu danh người anh hùng cứu nước;
Trời Nam hiển Thánh, ngàn năm thờ phượng bậc công đức giúp  dân.”

 

SAU ĐÂY LÀ 1 SỐ HÌNH ẢNH LỄ HÚY NHẬT ĐỨC THÁNH TRẦN TẠI ĐỀN NHA TRANG:

BV NHA TRANG 8
Ban nữ tế vào Đền



BV NHA TRANG 9
BV NHA TRANG 10
BV NHA TRANG 11
BV NHA TRANG 12
BV NHA TRANG 13

Những câu đối độc đáo ở Đền Thánh Trần Nha Trang:

1 - CỔNG TAM QUAN:
Thuỷ trận dụng triều lưu, vi Nam quốc Hải quân chi Tổ;
            
Kim chi tác can lỗ, phá Bắc phương Nguyên khấu chi Sư.”
Dịch nghĩa:
Dùng nước triều lập trận phá ngoại xâm, đời sau tôn thành Thánh Tổ Hải Quân (Việt Nam Cộng Hòa)
Lấy cây rừng vót thành cọc nhọn, diệt quân Nguyên mưu ấy quả bậc Thầy
Một câu đối khác:
“Bắc Nhạc giáng Thần, cứu quốc anh hùng danh vạn kiếp;
           
Nam Thiên hiển Thánh, tý dân công đức tự thiên niên.”
                 
Nghĩa là:
“Núi Bắc giáng Thần, muôn thưở lưu danh người anh hùng cứu nước;
Trời Nam hiển Thánh, ngàn năm thờ phượng bậc công đức giúp  dân.”
Câu khác nữa:
Bắc nhạc giáng Thần cứu quốc anh hùng danh vạn kiếp
Nam thiên hiển Thánh tý dân công đức tự thiên niên 
Cứu quốc công huân Bắc địa uy linh thiên cổ miếu
Tý dân phúc trạch Nam thiên chiêm ngưỡng nhất tân từ 
Dịch nghĩa:
Núi Bắc giáng Thần, muôn kiếp lưu danh người anh hùng cứu nước ("Vạn kiếp" vừa có nghĩa là muôn đời, muôn kiếp đồng thời lại nhắc đến tên của nơi Đức Trần Hưng Đạo trở về)
Trời Nam hiển Thánh, ngàn năm thờ phụng bậc công đức che dân
Cứu nước công lao to lớn, miếu cũ ngàn năm đất Bắc rạng uy danh
Che dân phúc trạch vô cùng, đền mới một tòa trời Nam đồng chiêm ngưỡng
2 - MẶT TIỀN CỦA CHÁNH ĐIỆN:
Bắc Hà thiếp kình ba vạn cổ Đằng Giang lưu vĩ tích 
Việt Nam an nhạn trạch thiên thu Nha Hải ngật linh từ 
Dịch nghĩa:
Bắc Hà phục kình ngư bình sóng cả, kỳ tích Bạch Đằng muôn thửa lưu danh
Việt Nam yên cánh nhạn trở về xuôi, linh từ Nha Trang ngàn năm sừng sững
Lưỡng hồi xã tắc tương tướng xuất kim hoàng, quốc sử huân danh truyền Bách Việt 
Vạn kiếp anh linh Uông Sơn dư kiếm khí, binh gia thao lược túc thiên thu 
Dịch nghĩa:
Hai lần vì xã tắc, "Tương tướng xuất kim hoàng", công lao ấy sử sách nước Nam tạc đá lưu danh truyền Bách Việt
(Tương tướng xuất kim hoàng: "Tương tướng" là chỉ chức quan tối cao trong triều đình ngày xưa. "Kim hoàng" là cái ao vàng dùng để chứa nước. Ý của toàn câu này muốn nói vì nước nhà mà ngài đã không tiếc tấm thân vàng ngọc của mình để trực tiếp cầm quân ra chiến trận)
Vạn kiếp rạng uy linh, "Uông Sơn dư kiếm khí", tài năng kia thao lược binh gia đủ cho đất nước vững muôn đời
(Uông sơn dư kiếm khí: "Uông sơn" là tên một địa danh thuộc Tỉnh Quảng Ninh ngày nay, nơi có một khúc sông Bạch Đằng chảy qua, cũng là nơi xưa kia Trần Hưng Đạo đóng đại bản doanh để điều khiển trận đánh Bạch Đằng. Cả câu này muốn ca ngợi sự dũng mãnh và tài năng tuyệt vời của Đức Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo trong việc điều quân khiển tướng làm nên chiến thắng Bạch Đằng Giang năm Mậu Tuất (1288)
3 - TRONG ĐIỆN:
Hồng Hà tú khí chung đại tướng bảo bang do nhiệt huyết 
Bạch Đằng oai phong lẫm địch quân quy quốc thượng hàn tâm 
Dịch nghĩa:
Hồng Hà tú khí chung linh, bảo vệ non sông Đại tướng sục sôi dòng máu đỏ) (Người xưa khi viết câu đối này đã chủ ý bỏ đi một từ nhằm tạo nên vế đối 12 chữ. Câu đủ là "Hồng Hà tú khí chung linh" có nghĩa là vùng châu thổ sông Hồng là nơi có nhiều vượng khí đã hun đúc nên những nhân kiệt cho đời
Bạch Đằng oai phong lẫm liệt, cuốn vó về quê địch quân lẩy bẩy trái tim đen) (Câu đủ là "Bạch Đằng oai phong lẫm liệt" ý muốn nói đến thế dũng mãnh của quân ta trong trận chiến Bạch Đằng Giang

Nam nhạc giáng Thần vạn cổ anh phong chung tú khí
 
Đông A hiển Thánh ức niên hương hỏa trạc linh thanh 
Dịch nghĩa:
Giáng Thần ở núi Nam, muôn thửa anh phong như chuông ngân lung linh thoát tục
Hiển Thánh tại thời Trần, ức năm hương hỏa mãi chói ngời tiếng vọng anh linh

GHI CHÚ:
Nam nhạc: Ở câu đối ngoài mặt tiền của chánh điện có dùng chữ "Bắc nhạc giáng Thần" để đối với vế hai là "Nam thiên hiển Thánh". Trong trường hợp đó ta hiểu rằng Bắc nhạc có nghĩa là núi ở Miền Bắc Việt Nam và Nam thiên có nghĩa là trời của phương Nam Việt Nam. Nay lại dùng chữ "Nam nhạc giáng Thần" chúng ta nên hiểu Nam nhạc này là núi của Việt Nam. Để đối lại vế "Đông A hiển Thánh" tức là hiển Thánh tại thời Trần. Vế đối này lấy không gian để đối với thời gian khác với câu đối trên là lấy không gian đối với không gian.

BÀI ĐỌC THÊM CỦA TÁC GIẢ HÌNH PHƯỚC LIÊN 2010

Đền Trần Hưng Đạo ở Nha Trang là đền thờ vọng, được xây dựng nhằm thoả mãn nhu cầu hướng về cội nguồn của những người miền Bắc vào Khánh Hoà sinh sống vào đầu những năm 20 của thế kỷ trước. Lúc đầu đền được xây dựng tại một khu đất nhỏ ở phường Xương Huân, sau đó Hội Ái Hữu Bắc Việt Khánh Hoà mà cụ thể là các cụ Trần Minh Chính, Nguyễn Văn Nhật đứng ra khởi xướng việc xin đất, quyên tiền để xây lại Vọng từ khang trang hơn hầu xứng với công đức của Đức Trần Hưng Đạo.

1.       Thế đất:

Sau 8 năm ròng vận động , tích luỹ kinh phí, ngày 28 tháng 3 năm 1962 đền được khởi công xây dựng tại Khu Đồng Dưa, Phước  Hải (nay là số 124, đường Nguyễn Trãi, phường Phước Tân, thành phố Nha Trang).Trên diện tích rộng chừng 200m2 nhưng việc xây dựng đền tại khu đất Đồng Dưa này dường như đã được các cụ tính toán kỹ lưỡng về thế đất, hướng đền theo luật phong thuỷ.

Theo lời kể, Đền phải quay mặt về hướng đông là nhằm đón lấy ánh rực rỡ của mặt trời buổi sáng; hướng đông cũng là hướng những chiến công hiển hách của Trần Hưng Đạo còn lưu lại cho muôn đời con cháu mai sau và trên hết hướng đông cũng chính là hướng phát tích của Ngài như hai câu mở đầu Trần Thánh Đại Vương Bửu cáo: “Đông A đế trụ/ Nam Đảo tiên tung”, nghĩa là: “ Cột trụ Nhà Trần/ giống  Tiên Nam Đảo”. Chọn quay mặt về hướng đông, Đền Trần  đã xác định lấy Vịnh Nha Trang làm Tiền án vậy.

Còn nhớ, những năm 60 của thế kỷ 20, khu Đồng Dưa hãy còn thưa thớt lắm, nhưng khu dân cư cũng đã được định hình với đa phần là công chức gốc miền Bắc vào Nha Trang làm việc và sinh sống,  trong đó có nhiều người là hội viên của Hội Ái Hữu Bắc Việt. Do vậy, chọn khóm dân cư làm Hậu chẩm tuy không thật hợp lý về phong thuỷ, song về tâm linh thì chọn khu dân cư làm “điểm gối đầu” quả là cao kiến. Còn Tả phù, Hữu bậc của ngôi Đền chính là Hòn Một và Núi Cảnh Long – hai trong bốn ngọn núi tạo nên thế đất “Tứ thú tụ” cho thành phố Nha Trang mà các nhà phong thuỷ gọi là “Kim Quy đới tháp” và “Thanh Long hý thuỷ”. Chọn được thế đất như vậy trong một đô thị thì phải chờ đến 8 năm cũng thật là xứng đáng lắm.

2.       Tam quan và sân Đền:

Là Vọng từ nên thiết kế của Đền Trần Hưng Đạo ở Nha Trang có nhiều nét tương đồng với các ngôi đền cổ vùng đồng bằng Bắc bộ. Tam quan được xây dạng hình trụ, phía trên tạo hình mô phỏng búp sen gồm hai trụ cao và hai trụ thấp nhằm tạo nên cổng chính và hai cổng phụ. Đây là cấu trúc Tam quan đặc thù của đền chùa miền Bắc, nó thanh thoát nền nã với gam màu nhạt chứ không nhiều màu sắc như cổng đình chùa của các tỉnh phía Nam. Nối liền hai trụ chính là tấm biển đề: “Đền Trần Hưng Đạo”. Thân trụ là hai vế đối:

“Thuỷ trận dụng triều lưu, vi Nam quốc Hải quân chi Tổ;

Kim chi tác can lỗ, phá Bắc phương Nguyên khấu chi Sư.”

Nghĩa là:

“Dùng thuỷ triều lập trận, là Tổ của Hải quân nước Nam;

Lấy cây làm cọc nhọn, bậc Thầy phá giặc Nguyên phương Bắc.”

Hai trụ phụ tạo thành vế đối:

“Bắc Nhạc giáng Thần, cứu quốc anh hùng danh vạn kiếp;

Nam Thiên hiển Thánh, tý dân công đức tự thiên niên.”

Nghìa là:

“Núi Bắc giáng Thần, muôn thưở lưu danh người anh hùng cứu nước;

Trời Nam hiển Thánh,ngàn năm thờ phượng bậc công đức che dân.”

Qua khỏi cổng Tam quan là một khoảng sân gạch, chính giữa là tấm bia “Di tích lịch sử văn hoá Đền Trần Hưng Đạo” nằm đối diện với cửa của Chính điện ghi tóm tắc quá trình lịch sử của ngôi đền; mặt sau ghi tên các vị đã có công  sáng lập và phát huy ngôi đền. Về hình thức và vị trí của tấm bia chúng ta có thể hiểu rằng, tấm bia này cũng là bức Án phong của Đền Trần Hưng Đạo – Nha Trang vậy!

 Phía sau tấm bia, đối diện với cửa chính của Chính điện là một cái đỉnh cao gần một mét dùng để thắp hương và cũng là nơi đặt đuốc thiêng mỗi khi rước từ tượng đài Trần Hưng Đạo về đây trong Lễ hội Chiến thắng Bạch Đằng Giang. Tại vị trí trung tâm của sân đền là cột cờ luôn tung bay lá cờ “Thần” chính giữa có thêu chữ “Trần” sắc nét như khẳng định với trời xanh về sự bất tử của Ngài và một triều đại anh hùng trong lòng dân tộc Việt.

3.       Chính điện:

Điện thờ Đức Thánh Trần là gian nhà mái ngói uốn cong hình đầu đao vuốt nhẹ vừa đủ tạo nên sự mềm mại, uyển chuyển như bao ngôi đền, chùa mà ta vẫn thấy. Trên đỉnh là hình tượng “Lưỡng Long triều nguyệt” bằng sứ men màu lam pha lục. Nội thất Đền chia làm ba gian hai chái. Chái đông là nơi làm việc của Ban Quản lý Đền, chái Tây là nơi để dành đãi khách mỗi khi có lễ lạc. Ba gian giữa được thiết kế trên nền cao hơn hai chái chừng nửa mét và là Chính điện của ngôi đền.

Nhìn chung, cấu trúc Chính điện của Đền Trần Hưng Đạo – Nha Trang có nhiều nét tương đồng với Đền Trần ở Cố Trạch – Nam Định. Mặt tiền của đền là bức hoành phi đắp nổi đề “Trần Trều Hiển Thánh Vọng Từ” và câu đối:

“ Bắc Hà thiếp kình ba, vạn cổ Đằng Giang lưu vĩ tích;

Việt Nam an nhạn trạch, thiên thu Nha Hải ngật linh từ.”

Nghĩa là:

“Ở Bắc Hà phục kình ngư bình sóng cả, kỳ tích Bạch Đằng muôn thưở lưu danh;

Cho Việt Nam yên cánh nhạn trở về xuôi, linh từ Nha Trang ngàn năm sừng sững.”

Câu đối hai bên trụ đề:

“Lưỡng hồi xã tắc, tương tướng xuất kim hoàng, quốc sử huân danh Bách Việt;

Vạn kiếp anh linh, Uông Sơn dư kiếm khí, binh gia thao lược túc thiên thu.”

Nghĩa là:

“Hai lần vì xã tắc, ‘tương tướng xuất kim hoàng’, công lao ấy sử sách này  lưu danh truyền Bách Việt;

Muôn kiếp rạng uy linh,‘Uông Sơn dư kiếm khí’, tài năng kia thao lược đó đủ ngàn năm nghiệp binh gia.”

Hai câu đối trên đã nói rõ Đền là một Vọng từ ở Nha Trang – “Thiên thu Nha Hải ngật linh từ”.

Bước vào nội điện, ngay vách đối diện với Hậu cung là bức hoành phi sơn son thếp vàng, dài hơn 2m đề bốn chữ “Vạn Kiếp sơn cao” với bút pháp khoẻ khoắn, sắc sảo. Hai gian tả hữu của Chính điện không thiết kế bàn thờ mà chỉ có hai bức bích họa, vách trái là bức “Hội nghị Diên Hồng”, vách phải là bức “Chiến thắng Bạch Đằng” tạo nên sự thoáng đãng cho khách hành hương khi bước vào lễ bái. Ngày thường, hai gian tả hữu này là nơi đặt đại hồng chung và trống, khi có lễ trọng thì đây là nơi tựu vị của quan khách và tín hữu về tham gia hành lễ. Với cấu trúc ấy, phần nào đã làm giảm đi cái sự thâm u, huyền bí vốn có của nhiều ngôi đền cổ ở nước ta, nhưng bù lại nó tạo cho khách hành hương về vọng bái cảm giác như đang được trở về với từ đường, về với gia tiên.

Gian giữa của Chính điện là nơi tập trng thờ tự, các bàn thờ được xếp thứ tự từ ngoài vào trong như sau:

- Bàn thờ Ban Công đồng: Được đặt cách ngạch cửa vừa bằng hai chiếu lạy. Bàn thờ làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng và chạm trỗ rất công phu. Theo các cụ thì tất cả bàn thờ, bệ thờ trong Chính điện đều được chọn kích cỡ theo thước Lỗ Ban. Theo đó, bàn thờ Ban Công đồng có kích thước: Rộng: 1,28m; ngang: 3m; cao: 1,28m ứng với các cung: Nạp phúc, Đăng khoa – Quý tử và Nạp phúc trong thước Lỗ Ban.

Trên bàn thờ Ban Công đồng là bộ ngũ sự bằng đồng sáng loáng và bình hoa, cỗ bồng. Giữa bàn thờ là một chiếc lồng kính bên trong đặt một bộ hia đen và chiếc mão màu đỏ. Theo các cụ thì đây là vật thờ mang tính ước lệ cho các vị Vương tử, gia tướng và các văn quan, võ tướng của Đức Thánh Trần. Phía sau lồng kính là bộ Lỗ bộ (bộ Bát bửu gồm 8 món binh khí thời xưa) bằng đồng rất tinh xảo cao chừng 0,7m và những từ khí này cũng được chế tác theo kích thước Lỗ Ban.

- Bàn Thờ Linh vị Đức Thánh Trần: Được đặt nối tiếp và cao hơn bàn thờ Ban Công đồng hơn một tấc. Bàn làm bằng gỗ sơn son nhưng không có chạm trỗ hoa văn. Kích thước như sau: Rộng 1,20m, ngang 1,98; cao 1,39 ứng với các cung: Đăng khoa, Đăng khoa và Thuận khoa - Hoạnh tài. Cũng như bàn thờ Ban Công đồng, bàn thờ Linh vị Đức Thánh Trần cũng gồm bộ ngũ sự và bình hoa,cỗ bồng… Chính giữa là Linh vị cao chừng 5 tấc được đặc trang trọng trong lồng kính. Linh vị đề tước hiệu của Ngài được vua Trần Anh Tông ban sắc truy phong: “Linh vị Thái sư Thượng phụ Thượng Quốc công Bình Bắc Đại Nguyên soái Long công Thịnh đức Vĩ liệt Hồng huân Nhân vũ Hưng Đạo Đại vương Thần vị”Đây là cụm mỹ từ dài nhất mà chúng tôi được biết, nó biểu thị cho lòng tôn trọng của các triều đại nước ta cũng như nhân dân về một vị anh hùng dân tộc mà công đức đã vượt xa cả sự phi thường.

- Hậu cung: Được thiết lập cách bàn thờ Linh vị Đức Thánh Trần một chiếu lạy, là nơi đặt Linh tượng Đức Thánh Trần. Mặt nền của Hậu cung cũng cao hơn sàn Đền một tấc. Hai bên có cặp liễn đối bằng gỗ được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Câu đối bên ngoài Hậu cung đề:

“Hồng Hà tú khí chung, Đại tướng bảo bang do nhiệt huyết;

Bạch Đằng uy phong lẫm, địch quân quy quốc thượng hàn tâm.”

Nghĩa là:

“Hồng Hà tú khí chung linh, bảo vệ non sông Đại tướng sục sôi dòng máu nóng;

Bạch Đằng oai phong lẫm liệt, cuốn vó về quê địch quân run rẩy tận buồng tim.”

Hệ thống hoành phi, câu đối của Đền Trần Hưng Đạo – Nha Trang không nhiều nhưng thật có giá trị về tính văn học. Đối với đình, chùa, đền, miếu thì câu đối ở Tam quan và Hậu cung là quan trọng nhất. Thông thường câu đối ở Tam quan là nói lên thế đất, địa danh của nơi thờ tự; còn câu đối ở Hậu cung là để tôn vinh, khắc hoạ nội dung tiêu biểu của vị Thần chủ - đối tượng thờ tự chính. Cho nên, câu đối ở Hậu cung bao giờ cũng là câu đối quan trọng nhất. Vậy thì, vì sao lại có hiện tượng thiếu từ trong câu đối trên?

Ai cũng biết “tú khí chung linh” và “uy phong lẫm liệt” là những thành ngữ quen thuộc trong kho tàng văn học cổ nước ta, nhất là trong các đình chùa miếu mạo. Vì vậy, chúng tôi tin rằng hai từ “linh” và “liệt” trong câu đối trên, nhất định đã được chủ tâm lược bỏ nhằm đạt được một ý tưởng lớn hơn.

Khảo sát thực tế tại các đình, miếu ở Khánh Hoà,chúng tôi nhận thấy hầu hết các câu đối đều có tổng số từ là số lẽ như 5, 7, 9, 11, 13…và gần như chưa gặp trường hợp nào sử dụng câu đối với tổng số từ là chẳn cả. Thế nhưng, ở Đền Trần Hưng Đạo – Nha Trang thì hầu hết các câu đối, hoành phi chính đều có tổng số từ là số chẳn. Trong đó câu đối phụ ở phía mặt tiền Chính điện là 16 từ, còn lại đều là những câu 12 từ. Phải chăng để có được con số 12 nên các cụ xưa đã lược đi câu đối kia một từ?  Và phải chăng những câu đối “Âm tính” kia là biểu hiện của tín ngưỡng thờ Mẫu, mà ở đó Đức Thánh Trần được xem như một người Cha, như câu ca dao mà ai cũng biết: “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ”?

Trong Hậu cung, tuợng Đức Thánh Trần cao hơn một mét, trông thật uy nghi. Tương tạc Ngài đầu đội kim khôi, mình mặc hồng bào, tay trái cầm cuốn binh thư ngồi trên ngai rồng sơn son thếp vàng; phía trước lại đặt nằm ngang thanh kiếm lệnh. Trước ngai là bộ Lỗ bộ bằng đồng và chiếc lư đồng khói hương nghi ngút và các mâm lễ vật luôn đầy ắp. Tất cả đều được đặt trên bệ thờ bằng gỗ chạm trỗ tinh xảo như một tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt các chân bệ thờ đều được chạm hình đầu rồng và những hoa văn hình mây rất đẹp. Hai bên bệ thờ là bộ liễn đối khắc gỗ, chữ viết sắc sảo, có thần:

“Nam Nhạc giáng Thần, vạn cổ anh phong chung tú khí;

Đông A hiển Thánh, ức niên hương hoả trạc linh thanh.”

Nghĩa là:

“Giáng Thần ở Núi Nam, muôn thưở anh phong ngời non nước;

Hiển Thánh tại Triều Trần, ức năm thờ phụng rạng danh Người.”

Trước sự uy nghiêm của Đức Thánh Trần chúng tôi đã không dám đo kích thước bệ thờ mà chỉ hỏi các cụ  trong đền. Thật may các cụ đều nhớ rõ từng chi tiết của bệ thờ và đã cho chúng tôi biết kích thước như sau: Rộng 1,2m ứng với cung Đăng khoa, ngang 1,98m ứng với cung Đăng khoa, cao 1,39m ứng với cung Thuận khoa. Các cụ còn giải thích, sở dĩ các kích thước của bệ thờ, bàn thờ đều lấy cung Đăng khoa là cung chủ đạo là vì Đức Thánh Trần là tượng trựng cho sự thắng lợi và cung Đăng khoa cũng là cung biểu thị cho tinh thần “Mã đáo thành công”. Xem ra, để có được niềm tin trọn vẹn,con người phải cần có long tin từ những điều nhỏ nhất.

Bên trong Hậu cung còn có hai bệ thờ nhỏ đặt hai bên bệ thờ Đức Thánh Trần. Bệ bên trái thờ Đệ nhất Vương cô. Trên bệ thờ có bộ tam sự, bình hoa và cỗ bồng. Chính giữa là tượng Vương cô cao chừng 5 tấc, mình mặc chiến bào màu trắng, tay trái cầm cờ lệnh, dáng vẻ uy nghi.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Đệ nhất Vương cô là Quyên Thanh Quận chúa - Trưởng nữ của Đức Trần Hưng Đạo và cũng là Nhân Tông Hoàng hậu. Theo Đệ nhất Vương cô Bửu cáo thì Bà là một đấng anh thư lỗi lạc của Nhà Trần. Bửu cáo viết:

“…Đông A chi ngọc diệp lưu căn, giang sơn chung tú/ Nam Việt chi kim âu vĩnh điện, thảo mộc quyết linh/ Hương trú xuân viên, thụ kiếm nhi cao tiên chỉ điểm/ Hoa bài trận pháp, huy kỳ nhi Nguyên khấu hổn kinh…”

Nghĩa là:

“…Vốn là lá ngọc của Nhà Trần, hun đúc bởi khí thiêng sông núi/ Mãi như âu vàng của Đất Việt, kết tinh từ linh diệu cỏ cây/ Hương thơm bát ngát vườn xuân, giỏi kiếm cung nhờ cao tiên chỉ dạy/ Xếp hoa lập thành trận địa, phất tay cờ mà giặc Thát hổn kinh…”

Tương truyền trong các lần đại phá quân Nguyên, Bà luôn sát cánh cùng Vương phụ và được Hưng Đạo Vương rất mực tin yêu. Vì vậy, hầu như ở các Đền Trần và Đền thờ Mẫu đều đặt tượng Bà cạnh Đức Thánh Trần Hưng Đạo.

Bệ thờ Đệ nhị Vương cô được đặt bên phải Hậu cung Đức Thánh Trần. Cách bài trí bệ thờ, cũng như khuôn mẫu, áo mão, màu sắc của tượng đều giống như bệ thờ của Đệ nhất Vương cô, chỉ khác là tay trái Bà cầm thanh đoản kiếm còn tay trái của Đệ nhất Vương cô th ì cầm cờ lệnh.

Theo chính sử, Bà là Anh Nguyên Quận chúa – con gái nuôi của Đức Hưng Đạo Vương và là phu nhân của Tướng quân Phạm Ngũ Lão. Song khi hiển thánh thì chúng đệ tử đều gọi Bà “Đệ nhị Vương cô - Thuỷ Tiên Công Chúa”. Bửu cáo Đệ nhị Vương cô viết rằng:

“…Hài đồng nhi thụ dưỡng Trần môn, Vuơng nữ liên xưng tỷ muội/ Kê tự nhi vu quy Phạm tộc, Suý thần hảo hợp lương duyên/ Tòng tỷ xuân viên, vân chúng Tiên gia chi kiếm/ tán nhung  vi ốc, phong linh dược lĩnh chi chiên…”

Nghĩa là:

“…Thưở ấu thơ nuôi dưỡng bởi Trần gia, cùng Vương nữ Quyên Thanh xưng tỷ muội/ Tuổi cập kê vu quy về Phạm tộc, hòa Suý Thần Ngũ Lão mối lương duyên/ Vườn xuân theo chị, trau dồi kiếm pháp Tiên gia/ Lều bạt thay nhà, tỏ rõ cao minh y dược…”

Và cũng như Đệ nhất Vương cô Quyên Thanh Công chúa, Bà luôn được chúng đệ tử tôn sung rất mực.

Ngoài những vị Nhân Thần trên, Hậu cung còn có một bàn thờ nhỏ đặt ngay dưới lòng bệ thờ Đức Thánh Trần để thờ Ngũ Hổ Đại Thần mà những tín đồ thờ Mẫu và dân gian vẫn quen gọi là Ngài Năm Dinh. Đây là nơi để chúng đệ tử thực hành nghi thức xin Xăm cầu phúc, vì vậy mà ít khi trên bàn thờ thiếu vắng khói hương.

4.Tiểu kết :

Với cấu trúc thờ tự nêu trên, chúng ta thấy có nhiều nét tương đồng với các Đền thờ Đức Thánh Trần ở miền Bắc và bàng bạc sắc màu của tục thờ Mẫu. Nghe nói trước năm 1975, mỗi khi đến ngày vía Đức Thánh Trần, Ban quản lý Đền thường tổ chức giá đồng tế lễ. Điều đó cho thấy, tục thờ Đức Thánh Trần và tục thờ Mẫu ở nước ta có liên quan mật thiết.

Đền Trần Hưng Đạo ở Nha Trang tuy chỉ là một Vọng từ, nhưng từ lâu đã trở thành một địa chỉ văn hoá quen thuộc của người dân Nha Trang – Khánh Hoà và ngày càng thu hút nhiều người đến tham quan, vọng bái. Thế mới biết người xưa thật chí lý khi nói: “Sơn bất tại cao hữu Tiên tất danh/ Thủy bất tại thâm hữu Long tất linh.” Nghĩa là: “Núi chẳng cần cao, có Tiên tất nên danh/ Sông chẳng cần sâu, có Rồng ắt linh hiển”.Cũng chính vì lẽ đó, ngày 05 tháng 10 năm 1995 Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà đã ban hành quyết định số: 2577/QĐ-UBND công nhận Đền Trần Hưng Đạo Nha Trang là Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh để giữ gìn và phát huy các giá trị này trong đời sống mới.

Và cũng như bao người dân Khánh Hoà tôi thầm ước, một ngày nào đó Đền Trần ở Nha Trang và những giá trị văn hóa phi vật thể hiện còn lưu giữ sẽ được nâng lên và phát huy rộng rãi để xứng đáng với sự vĩ đại của Đức Thánh Trần và làm rạng rỡ hơn thành phố Nha Trang vốn đã đẹp trong lòng bè bạn.

Hình Phước Liên

Nha Trang T10/2010

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn