ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN - LITTLE SAIGON  - WESTMINSTER - CALIFORNIA
TRẦN HƯNG ĐẠO FOUNDATION (ĐỀN THÁNH TRẦN LITTLE SAIGON)
9078 BOLSA AVENUE tức ĐẠI LỘ TRẦN HƯNG ĐẠO - WESTMINSTER - CA 92683
ĐIỆN THOẠI: (657) 296-7889 | EMAIL: denthanhtran2022@gmail.com| WEBSITE: https://denthanhtran.org và tranhungdaofoundation.org
MỞ CỬA HÀNG NGÀY TỪ 10 GIỜ SÁNG ĐẾN 4 GIỜ CHIỀU KỂ CẢ CUỐI TUẦN & NGÀY LỄ - CHÀO CỜ THỨ BẢY MỖI ĐẦU THÁNG LÚC 10AM

LỄ PHÁT LƯƠNG "THỊNH TÀI ĐẮC LỘC" TẠI ĐỀN TRẦN THƯƠNG HÀ NAM

09 Tháng Mười Hai 20215:56 CH(Xem: 1850)

BV TRAN THUONG 1

LỄ PHÁT LƯƠNG THỊNH TÀI ĐẮC LỘC
TẠI ĐỀN TRẦN THƯƠNG HÀ NAM

 

Đền Trần Thương là một trong 3 ngôi đền quan trọng trong tập hợp các đền thờ công đồng Trần Triều. Đây là một trong những địa danh lịch sử liên quan mật thiết đến những trang sử hào hùng thời nhà Trần và nơi cũng được cho là nơi an nghỉ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Tính đến nay, 2021, Đền Trần Thương đã tồn tại hơn 7 thế kỷ (700 năm). Dù đã trải qua nhiều thế kỷ nhưng vẫn giữ được những nét từ thuở sơ khai và đã trở thành dấu ấn lịch sử minh chứng cho nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của Việt Nam. Đồng thời cũng đã trở thành niềm tự hào của người dân Hà Nam mỗi khi nhắc tới.

Đền Trần Thương thờ ai?
BV TRAN THUONG 18

Đền Trần Thương là đền thờ Trần Hưng Đạo –  Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và thờ vọng Vương Phụ, Vương Mẫu của ngài. 

Trong tín ngưỡng thờ Công Đồng Trần Triều, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là Đức Thánh Trần đứng hàng vị cao nhất. Hầu hết các đền phủ đều có bàn thờ vọng Đức Thánh Trần. 

BV TRAN THUONG 3

Lễ đền Trần Thương Hà Nam cần chú ý gì?

Đền Trần Thương Hà Nam là ngôi đền linh thiêng được nhân dân khắp vùng vô cùng tín thờ. Người ta tin rằng khi cầu công danh tại Đền Trần Thương Hà Nam sẽ được ứng nghiệm, như ý. Do đó, cứ vào dịp đầu năm hay mùa lễ hội của đền, nhân dân lại mang lễ vật tụ hội về đền dâng Đức Thánh Trần linh thiêng mong ngài phù hộ cho bản thân và gia quyến. 

Một mâm lễ Đền Trần Thương Hà Nam bao gồm các thức lễ một đĩa hoa, một đĩa quả gồm nhiều loại quả, một cơi trầu, quả cau, cút rượu, xôi thịt, thẻ hương, giấy tiền và một cánh sớ.
BV TRAN THUONG 10

LỊCH SỬ ĐỀN THIÊNG

Trần Thương là một thôn thuộc xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Xưa kia, không có cái tên này mà cái tên Trần Thương xuất hiện sau khi xảy ra sự kiện kháng chiến chống giặc nhà Nguyên. Tương truyền, trên đường đi đánh quân Nguyên, Trần Hưng Đạo thấy địa thế nơi đây hiểm yếu nên đã ra lệnh đặt 6 kho quân lương phục vụ cuộc kháng chiến. Khi chiến thắng trở về làng, ngài đã cắm sinh phần (đất xây mộ khi còn sống) ngay tại đây. Từ đó, nhân dân đặt tên làng là Trần Thương (kho lương nhà Trần), sau này lập đền thờ Đức Thánh Trần thì gọi là đền Trần Thương.

BV TRAN THUONG 7

KIẾN TRÚC DI TÍCH ĐỀN TRẦN THƯƠNG

BV TRAN THUONG 15BV TRAN THUONG 16Sau khi Hưng Đạo Vương qua đời, để tưởng nhớ công ơn của ngài, vào thời hậu Lê năm 1783, nhân dân làng Miễu đã lập đền thờ trên nền đất kho lương ấy để thờ phụng. Đền Trần Thương đã trở thành tôn miếu linh thiêng của nhân dân Hà Nam nói riêng và đất nước nói chung. Nhân dân tôn vinh Hưng Đạo Vương là Đức Thánh từ trên trời hiển ứng xuống giúp dân, giúp nước, diệt trừ giặc ngoại xâm, ổn định bờ cõi của đất nước. 

BV TRAN THUONG 19
Kiến trúc đặc sắc nhất là những họa tiết chạm khắc công phu thể hiện nhiều kỹ thuật cổ xưa như kênh bong, chạm chìm, chạm nổi, kỹ thuật bào trơn, đóng bén, cách xử lý các vật liệu gỗ,… có giá trị cao đối với công việc khảo cứu của các nhà khảo cổ. Không chỉ vậy, xung quanh đền còn chứa rất nhiều mảnh gốm sứ, vũ khí có niên đại từ thời nhà Trần vô cùng quý giá.


BV TRAN THUONG 17

Đền được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Quốc vuông vắn, trên thế đất thiêng “hình nhân bái tướng” và xây theo kiểu “Tứ thủy quy đường”. Tổng thể cảnh quan ngôi đền gồm nghi môn ngoại, nghi môn nội, năm tòa và được chia thành ba cung: Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam và hai giải vũ, năm giếng… tạo nên những điểm huyền bí độc đáo riêng của ngôi đền.

BV TRAN THUONG 13
Thanh linh kiếm được thờ tại Đền Trần Thương

Đền có cửa chính cao hai tầng, tầng dưới uốn thành hình vòm trang trí họa tiết hoa văn xung quanh. Tầng bên trên là gác chuông tám mái, được treo một quả chuông lớn dùng để truyền tín hiệu cho vùng xung quanh. 

Con đường chạy vòng quanh là hai tay ngai, bên Đông, bên Tây và còn có hai giếng nước được gọi là hai “tai”. Nền trước của cung Đệ tam có một giếng tròn mà từ xưa kia dân gian gọi là “hố”, “khẩu”. Theo phong thủy tất cả những cấu trúc của đường, giếng tạo nên thế đất thiêng “hình nhân bái tướng”, “ngũ mã thất tinh”.

Theo thứ tự từ bên ngoài đền vào trong, cung đầu tiên gọi là cung Đệ tam, là nơi thờ Ban Công đồng và quan Ngũ Hổ. Cung Đệ tam được xây dựng theo lối chồng rường, hai đầu xây bít đốc giật cấp, mái lợp ngói nam, mặt trước là dãy cửa bức bàn. Phía trên gian giữa có treo bức đại tự “Văn đức võ công”. 

Tiếp đến là cung Đệ nhị, ban ở giữa thờ bá quan văn võ Trần Triều, hai bên tả và hữu là thờ quan Bắc Đẩu và quan Nam Tào. Cung Đệ nhị gồm có năm gian và được xây cao hơn cung Đệ tam, trên nóc hai đầu hồi được đắp hai con rồng lớn, phần giữa mái trên và mái dưới có các ô có đắp chữ Nho. 

Cung cuối cùng là cung Đệ nhất hay còn được gọi là Cung Cấm. Ban giữa cung Đệ nhất có thờ Đức Thánh Trần, hai bên trái và phải thờ bái vọng Đức Vương Phụ và Đức Vương Mẫu của Ngài. Cung này cũng được lợp ngói ống, bộ cửa được sơn son thếp vàng lộng lẫy. 

Giá trị của đền Trần Thương còn được thể hiện qua phần trang trí kiến trúc với những họa tiết được chạm khắc công phu như: lưỡng long chầu nguyệt, rồng bay, phượng múa… tạo nên một bức tranh thiên nhiên vừa sống động, vừa cổ kính trang nghiêm. 

Cùng với vẻ đẹp về công trình kiến trúc độc đáo, linh thiêng, đền Trần Thương hiện còn lưu giữ một số hiện vật, đồ thờ có giá trị lịch sử như: hoành phi, câu đối, đại tự, ngai thờ, khám thờ, lục bình, bát hương, nghê đá, rùa đá…và chiếc kiếm bạc có vỏ làm bằng đồi mồi rất quý, chỉ được đưa ra thờ vào những ngày lễ hội đặc biệt.

LỄ  HỘI TẠI ĐỀN TRẦN THƯƠNG


BV TRAN THUONG 11
Ngoài giá trị lịch sử - văn hoá, đền Trần Thương còn mang đậm giá trị văn hoá tâm linh thông qua phần lễ hội. Lễ hội đền Trần Thương hằng năm được nhân dân tổ chức từ ngày 20-8 Âm lịch đã trở thành một nét văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người dân Hà Nam nói riêng và tất cả du khách thập phương nói chung.

Trong lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa dân gian, các nghi lễ đặc sắc, độc đáo nhất là lễ rước nước và thi bơi trên sông. Các nghi lễ này vừa mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận, gió hòa, đồng thời gợi nhớ nguồn gốc của dòng tộc nhà Trần vốn quen với nghề sông nước.

BV TRAN THUONG 12

Tại lễ hội, con dân còn tổ chức “Diễn xướng Thanh đồng”, một nghi lễ đặc sắc đã có từ lâu đời của đền Trần Thương với sự tham gia đông đảo của những người hành hương đến từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Lễ hội đền Trần Thương là một trong ba lễ hội lớn trong vùng của tỉnh Hà Nam. Lễ hội này mang ý nghĩa là một cuộc hành hương tưởng nhớ về cội nguồn không chỉ đối với người dân địa phương mà đối với người dân cả nước.



Với tâm nguyện bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử và văn hóa tâm linh tốt đẹp, giáo dục các tầng lớp nhân dân yêu nước, nhớ về cội nguồn. Lễ hội phát lương tại đền Trần Thương được tổ chức vào giờ Tý ngày rằm tháng Giêng. Đây là một trong những lễ hội truyền thống lớn của tỉnh Hà Nam.  

LỄ PHÁT LƯƠNG, PHÁT TÀI, PHÁT LỘC

BV TRAN THUONG 4
Nghi lễ phát lương được thực hiện theo tuần tự gồm ba phần: Lễ rước lương thảo từ kho lương vào trong đền làm lễ do bảy cô gái mặc áo dài màu đỏ, đội khăn đỏ, đội bảy mâm đựng những túi lương thực nhỏ và chín chàng trai tân mặc quần áo màu đỏ, đầu đội nón lá cũng màu đỏ, thắt lưng khăn vàng, ống chân quấn xà cạp viền xanh, chân đi giày vải màu vàng có nhiệm vụ khiêng kiệu, trên kiệu đặt ba túi lương lớn.

Phần thứ hai là lễ châm đuốc và dâng hương của các đại biểu lão làng. Phần thứ ba là những cô gái và chàng trai rước lương thảo vào hậu cung làm mật lễ.

BV TRAN THUONG 8

Đặc biệt, Lễ phát lương Đức Thánh Trần được tổ chức vào rằm tháng Giêng, mở đầu là lễ phát lương vào đêm ngày 14, rạng sáng ngày 15 âm lịch. Lễ phát lương là một trong những nghi lễ lớn nhất và quan trọng nhất thuộc khuôn khổ lễ hội đền Trần Thương Hà Nam. Lễ phát lương được tổ chức để tưởng nhớ công lao của vị Anh hùng dân tộc, Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương và tái hiện lịch sử cảnh “phát quân lương” khao quân của quân đội nhà Trần khi thắng giặc Nguyên. Cùng với đó, đây cũng là dịp cầu khấn cho quốc thái dân an, ban lộc, ban tài tới mọi con hương, đệ tử. 

Theo đó, vào ngày tổ chức lễ phát lương, sau khi hoàn thành phần rước kiệu ấn, dâng hương, cúng lễ tại đền, các vị cao niên sẽ mở cửa phát “lương thảo” cho dân chúng vào đêm ngày 14, rạng sáng ngày 15. Túi lương thảo gồm thẻ, ấn cùng hạt bắp (ngô) đỏ, đậu tương và hạt thóc nếp cái hoa vàng tượng trưng cho tài lộc, phúc lộc dồi dào. Người ta quan niệm rằng khi nhận được được túi lương thảo này thì người ta sẽ có tài, có lộc trong năm mới, làm ăn thuận lợi công danh thăng tiến. Bởi vậy, cứ đến ngày lễ phát lương là đệ tử, con hương tại khắp các tỉnh thành tụ hội về chật kín sân đền. 

Sau khi hoàn thành lễ phát lương, vào sáng ngày 15, các cụ cao niên trong đền cùng nhân dân tổ chức lễ rước nước tượng trưng cho việc giữ vận nước may mắn cho đời sau. Kết thúc phần lễ là các hoạt động đặc sắc của phần hội với hội thi bơi chải trên sông cùng chương trình “diễn xướng Thanh đồng” thu hút sự đông đảo tham gia của nhiều “cơ cánh” đến từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng tạo nên mùa lễ hội vô cùng đặc sắc.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn