ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN - LITTLE SAIGON  - WESTMINSTER - CALIFORNIA
TRẦN HƯNG ĐẠO FOUNDATION (ĐỀN THÁNH TRẦN LITTLE SAIGON)
9078 BOLSA AVENUE tức ĐẠI LỘ TRẦN HƯNG ĐẠO - WESTMINSTER - CA 92683
ĐIỆN THOẠI: (657) 296-7889 | EMAIL: denthanhtran2022@gmail.com| WEBSITE: https://denthanhtran.org và tranhungdaofoundation.org
MỞ CỬA HÀNG NGÀY TỪ 10 GIỜ SÁNG ĐẾN 4 GIỜ CHIỀU KỂ CẢ CUỐI TUẦN & NGÀY LỄ - CHÀO CỜ THỨ BẢY MỖI ĐẦU THÁNG LÚC 10AM

THỦY QUÂN LỤC CHIẾN VNCH DỰNG TƯỢNG TRẦN HƯNG ĐẠO TẠI VŨNG TÀU

09 Tháng Mười Hai 20213:42 CH(Xem: 2542)

BV VŨNG TÁU 1
Đền Thánh Trần Vũng Tàu, địa chỉ: 68 Hạ Long, Vũng Tàu

VŨNG TÀU CÓ 3 NƠI THỜ KÍNH VÀ VINH DANH THÁNH TRẦN HƯNG ĐẠO
 

Đền Thánh Trần Little Saigon sưu tầm, tổng hợp để lần lượt giới thiệu các Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo khắp nơi. Quý vị nào có tài liệu, hình ảnh, lịch sử của các Đền này vui lòng gởi cho để chúng tôi phổ biến. Gởi cho chúng tôi tại email: info@denthanhtran.org



1- ĐỀN THÁNH TRẦN VŨNG TÀU:

BV VŨNG TÀU 2
Đền thờ Đức Thánh Trần tọa lạc tại số 68 Hạ Long, Phường 2, TP. Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu, được xây dựng từ năm 1955, đến năm 1957 thì hoàn thành. Từ khi Đền được khánh thành, đã có 3 đời Hội trưởng, gồm: cụ Nguyễn Văn U, cụ Đồng Thái Nghi và hiện là cụ Trần Quang Châu. Ngoài Hội trưởng, Ban trị sự của Đền còn có 5 hội phó và 14 người giúp việc Hội trưởng điều hành các công việc của Đền.

BV VŨNG TÀU 3
Khuôn viên đền thờ



Hàng năm Húy nhật của Đức Thánh đều được tổ chức trọng thể.

BV VŨNG TÀU 4
Cổng chính


Khác với một số địa phương, lễ giỗ Đức Thánh Trần tại TP.Vũng Tàu tuy không có phần hội, nhưng vẫn thu hút đông đảo du khách và cư dân địa phương. Ngày giỗ Đức Thánh chỉ có múa lân, không tổ chức các hoạt động hội khác, nhưng lễ cúng vẫn mang nét đẹp truyền thống, mỗi người đều mang mâm lễ gồm xôi, gà, heo, nhang, bông, trái cây… thành kính dâng Đức Thánh. Tuy đông nhưng vẫn trật tự. Mỗi người thành kính thắp 1 cây nhang cảm tạ vị tướng tài, người anh hùng kiệt xuất của dân tộc, và mong những điều tốt đẹp với bản thân, gia đình, bạn bè.

BV VŨNG TÀU 5
Bàn thờ Đức Thánh Trần tại đền



2- TƯỢNG THÁNH TRẦN VŨNG TÀU:

BV VŨNG TÀU 6

BV VŨNG TÀU 7
Tượng ở công viên nằm giữa 3 đường Trần Hưng Đạo, Trương Công Định và Hoàng Hoa Thám

 

Ngoài Đền Thánh Trần, Vũng Tàu còn có tượng Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được đặt tại công viên nằm giữa 3 đường chính của thành phố, gồm: Trần Hưng Đạo, Trương Công Định và Hoàng Hoa Thám. Tượng nằm cách Bãi Trước Vũng Tàu khoảng 500m. Phía trước tượng có đặt lư hương để người dân và du khách thắp hương, bày tỏ lòng thành kính trước một anh hùng dân tộc.

Trong khuôn viên công viên còn khắc câu nói nổi tiếng Đức Thánh: "Khoan thử sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy".

Theo ông Phạm Chí Thân, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tượng Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa xây dựng.
 

Trước đây, tượng được gắn tên là tượng Trần Hưng Đạo.Nay thành phố Vũng Tàu trùng tu thêm tên đầy đủ là “Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn” cho đúng với chức danh của ông và cũng là thể hiện sự biết ơn của hậu thế.

Để ghi nhớ công ơn của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, hàng năm vào dịp lễ, tết, địa phương đều tổ chức lễ dâng hương, tưởng niệm, nhằm bày tỏ niềm tri ân, lòng tôn kính đối với vị anh hùng dân tộc và cầu mong uy vũ, anh linh của Người sẽ luôn tiếp thêm hào khí cho dân tộc Việt Nam để xây dựng đất nước, bảo vệ tổ quốc Việt Nam.Nhiều du khách đến đây cũng thắp hương, bày tỏ lòng thành kính đối với Ngài.

Ngoài Đền thờ chính thức và tượng nói trên, Vũng Tàu còn có đình Phước Lễ cũng thờ Đức Thánh.

3- ĐÌNH PHƯỚC LỄ


BV VŨNG TÀU 8
Đình Phước Lễ

Đình Phước Lễ, mái đình của của miền biển Vũng Tàu, tương truyền đã được xây dựng cách đây 200 năm. Nằm giữa thành phố Vũng Tàu, đình Phước Lễ được coi là một địa điểm tâm linh, tín ngưỡng, một địa điểm được nhiều người ghé thăm. Nơi đây chứa đựng lịch sử dài lâu của vùng đất và thờ những vị danh nhân văn hóa nổi tiếng của Việt Nam. 

BV VŨNG TÀU 10
Cổng Đình Thần Phước Lễ



Tọa lạc tại trung tâm thương mại, trên khu phố 3 phường Phước Trung, Vũng Tàu, là một địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh và cũng là một nơi được nhiều du khách biết đến và tham quan. Đình Phước Lễ đã được vua Tự Đức sắc phong Thành Hoàng Làng vào cuối thế kỷ 19. Đến nay, bản sắc phong vẫn còn lưu lại tại đình với nội dung “Sắc tặng thành hoàng báo ân chính trực Nguyễn Thiếp đôn nghinh tôn thần. Thần Hoàng bảo vệ dân.”


Theo lời của những bậc cao niên kể lại rằng, đình Phước Lễ được xây dựng hơn 200 năm về trước ở khu Lò Than hẻo lánh. Đình lúc đó được xây dựng hoàn toàn bằng các loại gỗ quý nổi tiếng, quy mô rất rộng và nổi tiếng khắp vùng. Đến khi thực dân Pháp xâm lược, đình bị đốt cháy, cho đến năm 1959 thì đình mới được phục dựng theo kiến trúc hiện đại như ngày nay.

Chính vì nơi đây lưu giữ và thờ tự hai vị danh sĩ, tướng quân nổi tiếng này mà phần nào đã trở thành một địa điểm du lịch Vũng Tàu được nhiều người dân và du khách biết đến.

1 - DANH SĨ LA SƠN PHU TỬ NGUYỄN THIẾP

BV VŨNG TÀU 11

Danh sĩ Nguyễn Thiếp là vị thành hoàng được thờ cúng tại đình Phước Lễ. Đây cũng là vị thần duy nhất được tôn thờ tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ông là một trong những danh sỹ nổi tiếng ở thế kỷ 18, là một người tài cao, đức trọng, làm quan giữa buổi thời buổi nhiễu nhương mà vẫn giữ nguyên khí tiết thanh cao. Ông đã từng có tâm sự nổi danh “Nghĩa còn đỉnh hạc thơm tho, Đạo suy ẩn với giang hồ cũng thanh.”

Ông có nhiều tên hiệu nhưng được người đời biết đến và suy tôn nhiều nhất với tên gọi La Sơn Phu Tử. Ông cống hiến cả cuộc đời mình vì cho sự nghiệp giáo dục, mở mang tri thức nhất tới muôn dân dưới thời Tây Sơn. Ông là một nhà giáo lớn, là người có vai trò là phổ biến rộng rãi chữ Nôm ra toàn dân và dần dần thay thế chữ Tàu trong nền văn hóa. Với những công hiến to lớn và tài đức của mình, sau khi Nguyến Thiếp qua đời đã được người dân tôn thờ là thành hoàng làng Phước Lễ. Người ta tôn thờ ông không chỉ bởi tài đức mà còn một phần là do những người Hà Tĩnh đến lập nghiệp tại Vũng Tàu đã xây dựng nên ngôi đình để thờ vị danh nhân quê hương mình.

SƠ LƯỢC VÀI NÉT VỀ LA SƠN PHU TỬ NGUYỄN THIẾP

La Sơn Phu Tử từng được thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du dạy dỗ (tức Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm). Là một nhà giáo nổi tiếng, ông được chúa Trịnh mời ra thủ đô thỉnh ý lật đổ triều Lê nhưng Nguyễn Thiếp can ngăn. Trịnh Sâm không nghe lời khuyên, Nguyễn Thiếp rời kinh, về lại quê nhà, vào vùng núi sâu, tiếp tục dạy học. Năm ông 66 tuổi, Bính Ngọ 1786, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc diệt họ Trịnh. Khi về đến Phú Xuân, Nguyễn Huệ viết thư cùng lễ vật ra Nghệ An mời Nguyễn Thiếp về Phú Xuân giúp mình. Nguyễn Thiếp đã khéo léo từ chối. Ông đưa ra 3 lý do để trả lời Nguyễn Huệ, tự nhận mình là một thần tử nhà Lê, tuổi cao, tài hèn sức mọn, không thể giúp gì được. Nhưng quý tài ông, Tháng 8 năm 1787, Nguyễn Huệ lại cử quan Lưu thủ là Nguyễn Văn Phương và Binh bộ Thị lang Lê Tài ra Nghệ An dâng thư mời Nguyễn Thiếp. Lần này Nguyễn Thiếp cũng khiêm nhường từ chối. Tiếc tài của bậc thầy ẩn dật, ngày 13 tháng 9 cũng năm 1787, Nguyễn Huệ tiếp tục lần thứ 3, sai quan Thượng thư Bộ hình Hồ Công Thuyên dâng thư mời Nguyễn Thiếp. Nguyễn Thiếp vẫn thoái thác không đi. Đã 3 lần từ chối. Nhưng Trời dường như đã định sẵn danh thần cho đại đế nước Nam nên năm sau đó, vào tháng 4 năm Mậu Thân 1788, trên đường ra Thăng Long trừ Vũ Văn Nhậm, khi đến đất Nghệ An, Nguyễn Huệ đã cử Cẩn Tín hầu Nguyễn Quang Đại mang thư đến mời Nguyễn Thiếp đến hội kiến. Lời thư rất tha thiết, nên ông đành xuống núi nhưng vẫn chưa chịu ra giúp. Hai người rất tâm đầu ý hợp, bàn luận sôi nổi. Cuộc hội kiến tưởng chừng như không dứt.

BV VŨNG TÀU 12
Thư của Quang Trung đại đế gởi cho
thầy giáo Nguyễn Thiếp

Đến cuối năm 1788, sau khi lên ngôi Hoàng đế tại núi Bân (Huế), vua Quang Trung (tức Nguyễn Huệ) kéo quân ra Bắc, đến Nghệ An nghỉ binh, nhà vua lại triệu Nguyễn Thiếp đến hỏi kế sách đánh đuổi quân Thanh xâm lược.

Trong buổi hội kiến lần này, vua Quang Trung hỏi Nguyễn Thiếp: "Hay tin vua Lê Chiêu Thống sang nhà Thanh cầu lụy, vua Thanh cho quân sang đánh, trẫm sắp đem quân ra chống cự, mưu đánh và giữ nước được hay thua, Phu tử nghĩ thế nào?".

Nguyễn Thiếp trả lời: "Bây giờ trong nước trống không, lòng người tan rã, quân Thanh thì ở xa tới mà lòng bọn tướng soái thì huênh hoang tự đắc, chúng không cần biết tình hình quân ta yếu hay mạnh, binh lương và trận chiến sẽ xảy ra như thế nào, còn quân lính thì phân vân không biết là sang đánh hay đến giữ theo sự khẩn khoản của vua Lê... Số quân của Hoàng đế kéo từ miền trong ra chưa đủ để chống đối với quân giặc, mà trở lại chiêu mộ thêm binh thì thời gian không cho phép. Vậy Hoàng đế phải tuyển mộ ngay quân lính ở đất Thanh Nghệ, vì nơi đây là đất thượng võ xưa nay, anh hùng nhiều, mà hào kiệt cũng nhiều".

Khi vua Quang Trung hỏi chiến thuật đánh quân Thanh, Nguyễn Thiếp trả lời: "Người Thanh ở xa tới mệt nhọc không biết tình hình khó dễ thế nào. Chúng có bụng khinh địch. Nếu đánh gấp thì không ngoài mười ngày sẽ phá tan. Nếu trì hoãn một chút thì khó lòng mà được".

Diễn biến của trận quyết chiến với quân Thanh quả đúng như dự kiến thiên tài của vua Quang Trung cũng như nhận định chính xác của Nguyễn Thiếp.

Sau đại thắng vào đầu xuân Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung về đến Nghệ An lại mời Nguyễn Thiếp đến bàn quốc sự. Trong bức thư gửi Nguyễn Thiếp, vua Quang Trung thổ lộ: "Trẫm ba lần xa giá Bắc thành, Phu tử đã chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng: Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Lời Phu tử hẳn có thế thật".

Sau khi Quang Trung đánh đuổi giặc Thanh, Nguyễn Thiếp trở thành một trong những vị học giả được vua tin cậy nhất. Vua biết ông không thích tham gia chính sự nên chỉ nhờ giải quyết những việc có tính chất học thuật và đặc biệt giao hẳn cho ông việc tổ chức nền giáo dục mới.

Ngay tại khoa thi Hương đầu tiên dưới triều đại Quang Trung được tổ chức ở Nghệ An vào năm 1789, Nguyễn Thiếp được cử làm Đề điệu kiêm Chánh Chủ khảo. Ông khuyên nhà vua hòa hoãn với nhà Thanh để tập trung xây dựng đất nước trở thành một quốc gia cường thịnh. Tuy nhiên sau khi giúp vua Quang Trung, Nguyễn Thiếp lại về núi Thiên Nhẫn mà không chịu ở Phú Xuân.

Năm 1791, vua Quang Trung lại cho mời ông vào Phú Xuân để bàn việc nước. Vì cảm thái độ chân tình ấy, nên lần này ông đã nhận lời (trước đó ông đã từ chối 3 lần). Đến gặp, ông đã dâng lên vua Quang Trung một bản tấu bàn về 3 vấn đề: Một là "Quân đức" (đại ý khuyên vua nên theo đạo Thánh hiền để trị nước); hai là "Dân tâm" (đại ý khuyên vua nên dùng nhân chính để thu phục lòng người), và ba là "Học pháp" (đại ý khuyên vua chăm lo việc giáo dục). Tuy là ba, nhưng chúng có quan hệ mật thiết với nhau và đều lấy quan niệm "dân là gốc nước" làm cơ sở. Nguyễn Thiếp viết: "Dân là gốc nước, gốc vững nước mới yên".

Những lời tấu ấy được nhà vua nghe theo. Ngày 20 tháng 8 (1791), nhà vua ban chiếu lập "Sùng chính Thư viện" ở nơi Nguyễn Thiếp ở ẩn và mời ông làm Viện trưởng. Kể từ đó, ông hết lòng chăm lo việc dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm để dạy học và phổ biến trong dân. Chỉ trong hai năm, ông đã tổ chức dịch xong các sách: Tiểu học, Tứ thư, Kinh Thi, và chủ trì biên soạn xong hai bộ sách là Thi kinh giải âm và Ngũ kinh toát yếu diễn nghĩa.

Tháng 9 năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung đột ngột băng hà, sự nghiệp của Nguyễn Thiếp đành dở dang.

Năm Tân Dậu (1801), vua Cảnh Thịnh (con vua Quang Trung) có mời ông vào Phú Xuân để hỏi việc nước. Đang ở nơi ấy, thì kinh thành mất vào tay chúa Nguyễn Phúc Ánh (sau là vua Gia Long). Nghe vị chúa này tỏ ý muốn trọng dụng, ông lấy cớ già yếu để từ chối, rồi xin về trại Bùi Phong.

Ngày 6 tháng 2 năm 1804 (Quý Hợi), danh sĩ Nguyễn Thiếp không bệnh mà mất, thọ 81 tuổi, và được an táng tại nơi ông ở ẩn.

Lăng mộ của cụ Nguyễn Thiếp đến nay còn được bảo vệ nguyên vẹn và là một trong số những ngôi mộ có phong thủy đẹp nhất Xứ Nghệ.


2 - ĐỨC THÁNH TRẦN HƯNG ĐẠO

BV VŨNG TÀU 9
Đức Thánh Trần Hưng Dạo được thờ tại Đình Phước Lễ


Vị thần thứ hai mà đình Phước Lễ thờ cúng là Đức Thánh Trần Quốc Tuấn, vị tướng tài ba, kiệt xuất của dân tộc ở thế kỷ 13. Người đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt đánh thắng hai cuộc xâm lược của quân Nguyên, bảo vệ giang sơn, bờ cõi. Bởi sự tài đức kiệt xuất của mình mà muôn dân tôn ông là Đức Thánh Trần, khắp mọi miền tổ quốc đều có đền thờ ông và người dân Vũng Tàu cũng tôn kính thờ tự ông tại đình Phước Lễ. Đình Phước Lễ thờ Đức Thánh Trần là sự thể hiện vô cùng rõ nét truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn bao đời của dân tộc.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn