ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN - LITTLE SAIGON  - WESTMINSTER - CALIFORNIA
TRẦN HƯNG ĐẠO FOUNDATION (ĐỀN THÁNH TRẦN LITTLE SAIGON)
9078 BOLSA AVENUE tức ĐẠI LỘ TRẦN HƯNG ĐẠO - WESTMINSTER - CA 92683
ĐIỆN THOẠI: (657) 296-7889 | EMAIL: denthanhtran2022@gmail.com| WEBSITE: https://denthanhtran.org và tranhungdaofoundation.org
MỞ CỬA HÀNG NGÀY TỪ 10 GIỜ SÁNG ĐẾN 4 GIỜ CHIỀU KỂ CẢ CUỐI TUẦN & NGÀY LỄ - CHÀO CỜ THỨ BẢY MỖI ĐẦU THÁNG LÚC 10AM

GIỚI THIỆU ĐỀN KIẾP BẠC (VIỆT NAM)

07 Tháng Mười Hai 20218:07 CH(Xem: 5303)


ĐỀN KIẾP BẠC 1

ĐỀN KIẾP BẠC


Đền thờ Đức Thánh Trần tại vùng đất thiêng có tên là Đền Kiếp Bạc. Đền Kiếp Bạc cũng được gọi là Đền Kiếp, Đền Vạn Kiếp.

Ngày nay Đền Kiếp Bạc thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Việt Nam.


BV KIẾP BẠC 1
Tại sao lại có tên “Kiếp Bạc”? Ở vùng đất thiêng là nơi Đại Nguyên Súy Trần Quốc Tuấn (Hưng Đạo Đại Vương) chọn đặt tổng hành dinh quân lực Đại Việt, đồng thời còn là phủ đệ của Ngài. Đặc biệt hơn nữa, vùng đất thiêng này cũng được phép của Vua và triều đình cho lập “sinh từ” (tức đền thờ người đang còn sống nhưng có sự nghiệp lớn lao cho đất đất nước và giúp ích cho dân). “Kiếp” là tên gọi của làng Vạn Yên và “Bạc” là tên gọi của làng Dược Sơn.


BV KIẾP BẠC 2
Từ thế kỷ 14, người dân ở 2 làng Kiếp và Bạc này đã lập nên Đền để thờ Đức Thánh Trần. Khi cuộc di cư của người miền Bắc vào Nam, trước và sau 1954 được an định, Hội Tương Tế Bắc Việt nhiều nơi đã lập Đền Thánh Trần và thường gọi là “Kiếp Bạc Vọng Từ” (hướng về Đến gốc Kiếp Bạc để thờ bái). Nhiều Đền Thánh Trần khác ở khắp các tỉnh thành Việt Nam và Đền Thánh Trần Little Saigon (Westminster, California, Hoa Kỳ) cũng thành kính hướng về Đền gốc trong ý nghĩa “Kiếp Bạc Vọng Từ”, hiệp tâm thờ kính Đức Thánh Trần (mà người dân Việt Nam từ ngàn xưa đã tôn Ngài là “Cha” chung cho con dân Việt).


BV KIẾP BẠC 3
Đền hiện tại đã trải qua nhiều thăng trầm, suốt nhiều triều đại, đã được trân trọng trùng tu nhưng vẫn giữ được những di vật, dấu ấn của đời trước. Đền có tọa lạc trên 1 khu đất 13 cây số vuông rưỡi, quay về hướng Tây Nam, nhìn ra sông Lục Đầu. Các khu vực kiến trúc gồm: trạm hạ mã, đường thần đạo, nghi môn, sân đền, tả  hữu thành các, giếng mắt rồng, tắc môn, nhà giải vũ và đền chính. Đền chính được dựng theo dạng “tiền nhất hậu đinh” gồm tiền tế, trung từ và hậu cung.


BV KIẾP BẠC 6
- SINH TỪ: Trong khu Đền Kiếp Bạc còn có Sinh Từ (như đã nói ở trên) cách đền chính 800 mét về hướng Đông Bắc. Sinh Từ được đức vua Trần Nhân Tông cho xây dựng khi Đức Thánh Trần còn sống, để ghi nhớ công lao to lớn của Đức Thánh Trần. Thượng hoàng Trần Thánh Tông đích thân viết văn bia ca ngợi công lao của Đức Thánh Trần. Tiếc rằng Sinh Từ và Văn Bia này nay chỉ còn là di tích.

BV KIẾP BẠC 5

- ĐỀN NAM TÀO:  Thờ quan Nam Tào, cách đền Kiếp Bạc 500m về phía Tây Nam, thuộc thôn Dược Sơn. Kiến trúc này được xây dựng trên một không gian thoáng, với diện tích trên 2 cây số vuông, gồm các thành phần kiến trúc: trụ biểu, tam quan, gác chuông, gác trống, tả hữu hành lang, đền chính và hậu đường.

BV KIẾP BẠC 7

- ĐỀN BẮC ĐẦU: thờ quan Bắc Đẩu, được xây dựng trên đỉnh núi Bắc Đẩu, trong một không gian thoáng rộng, gồm các hạng mục: nghi môn, gác chuông, gác trống, tả hữu hành lang, đền chính, hậu đường và một số công trình phụ trợ khác…

BV KIẾP BẠC 4

- VƯỜN DƯỢC SƠN: Tức Dược lĩnh cổ viên. Tương truyền, đây là vườn thuốc Nam, do Đức Thánh Trần trồng trên núi Dược Sơn, nay thuộc thôn Dược Sơn, xã Hưng Đạo. Núi Dược Sơn nằm ở phía Nam của đền Kiếp Bạc, với diện tích trồng thuốc Nam khoảng 10 cây số vuông.

BV KIẾP BẠC 8

- AO CHÁO: Nằm ở phía dưới chân núi Trán Rồng, thuộc địa phận thôn Bắc Đẩu. Tương truyền, Đức Thánh Trần đã tập trung quân sỹ để đào ao, đón nước từ hố Máng nước để nấu cháo dưỡng thương cho binh lính. Hiện nay, nơi này chỉ còn lại phế tích.

- SÔNG VANG – XƯỞNG THUYỀN: Là di tích nằm trên cánh đồng Vạn Yên, cách đền Kiếp Bạc 1 cây số về phía Bắc. Tương truyền, Đức Thánh Trần đã cho quân sỹ đào sông Vang ở trung tâm đại bản doanh, để làm đường thủy trong khu vực nội địa của Thái ấp Vạn Kiếp (là đất vua ban cho Đức Thánh Trần). Tại sông Vang, Đức Thánh Trần đã cho xây dựng Xưởng Thuyền để đóng, sửa chữa và cất giấu thuyền chiến. Hiện nay, hai di tích này chỉ còn dấu vết khá mờ nhạt.

BV KIẾP BẠC 9

- HẠNG TIỀN: Nằm dưới chân núi Bắc Đẩu, cách đền Kiếp Bạc 500 mét về phía Bắc. Tương truyền, đây là nơi cất dấu ngân khố của Phủ đệ Trần Hưng Đạo để phục vụ kháng chiến. Hang Tiền rộng khoảng 1 hecta. Tại khu vực này còn dấu tích các vòm hầm đào vào núi, cao 1,5m, rộng 1,3m.

- HỐ THÓC: Cách đền Kiếp Bạc 2 cây số về phía Đông Nam. Tương truyền, địa điểm này từng là nơi cất giữ lương thảo. Hiện nay, di tích đã bị hư hại, chỉ còn lại phế tích.

BV TRAN THUONG 10

- VIÊN LĂNG: Nằm trên gò đất nhỏ, hình tròn, cách đền Kiếp Bạc khoảng 300m về phía Đông Nam. Tương truyền, Trần Hưng Đạo được an táng ở đây.

 

 - NÚI TRÁNG RỒNG: Nằm ở phía sau đền Kiếp Bạc. Trên sườn núi có nhiều di tích, di chỉ khảo cổ thời Trần...

 

- SÔNG LỤC ĐẦU – CỒN KIẾM: Là nơi đã diễn ra trận Vạn Kiếp lịch sử (năm 1285), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt của quân Nguyên lần thứ 2. Sông Lục Đầu có vị trí chiến lược rất quan trọng. Tại đây, Thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông đã tổ chức Hội nghị Bình Than. Trên sông Lục Đầu, trước cửa đền Kiếp Bạc có một cồn cát chạy dài, gọi là Cồn Kiếm. Tương truyền, đây là nơi Trần Hưng Đạo thả kiếm xuống sông khi đất nước thái bình.

BV KIẾP BẠC 10

 

ĐỀN KIẾP BẠC NGÀY NAY


Qua cổng lớn, bên tay trái có một giếng gọi là Giếng Ngọc mắt rồng. Theo con đường đá đi đến khu vực để kiệu trong mùa lễ hội, phía trước có một án thờ. Trước đây người dân khi đến thăm Đền, đặc biệt trong các mùa lễ hội hay có tục thả tiền lẻ xuống Giếng để cầu may, tuy nhiên hiện nay với nỗ lực ngăn chặn của giới chức, hành vi này bị ngăn cấm và đến nay thì mất hẳn.

BV KIẾP BẠC 11

Nhà đại bái phía trong ở giữa đặt bàn thờ lớn, 2 bên là 4 ngai thờ 4 người con trai của Trần Quốc Tuấn là Trần Quốc Hiếu (Hiện), Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Tảng, Trần Quốc Uy (Uất).


BV KIẾP BẠC 12 

Bên trong hậu cung có 3 tòa điện: tòa điện ngoài cùng thờ Phạm Ngũ Lão, tòa điện thứ hai thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, tòa điện trong cùng thờ phu nhân Trần Quốc Tuấn là công chúa Thiên Thành và hai con gái được gọi là Nhị vị Vương cô.

 

Trong đền hiện còn 7 pho tượng bằng đồng: Tượng Trần Quốc Tuấn, phu nhân, 2 con gái, con rể là Phạm Ngũ Lão, Nam Tào, Bắc Đẩu và 4 bài vị thờ các con trai của ông cùng 2 gia tướng là Yết Kiêu và Dã Tượng.

BV KIẾP BẠC 13

Khu Đền những năm gần đây được tu sửa cẩn thận, do vậy ngôi Đền vừa giữ được những nét cổ kính, vừa có nét khang trang. Tuy nhiên, việc thay đổi nhiều khung cảnh xung quanh cũng khiến nhiều thực khách, nhà nghiên cứu không hài lòng, đặc biệt là việc Ban Quản lý tận dụng các khu vực sân xung quanh Đền để trồng hoa lan, góp phần phá vỡ nét cổ kính, nguyên vẹn của các khu vực xung quanh ngôi Đền.

Đằng sau Đền khoảng 250 m là một quả núi và 1 thung lũng nhỏ (còn được người địa phương gọi là Viên lăng) cây cối mọc um tùm, một số người cho rằng đây là nơi an táng Trần Hưng Đạo.

Qua cổng tam quan là vào một sân rộng tục truyền là “Bãi Kiếm”, là nơi xét xử Phạm Nhan, tên tướng giặc có nhiều bùa phép gian ngoa. Hai bên sân là 2 dãy nhà dài, để khách thập phương dừng chân sửa soạn mâm lễ vật.

 
BV KIẾP BẠC 14

Ngoài húy nhật, giỗ cha 20 tháng 8 lịch ta, Đền Kiếp Bạc còn ngày lễ trọng thứ hai vào 28/9, ngày mất của Thiên Thành công chúa - phu nhân của Đại vương, nhưng ngày này không thành hội , chỉ có hai làng sở tại tổ chức tế lễ cùng vài đoàn khách xa.

 

Đền vẫn còn giữ được truyền thống từ đời xưa, những ngày lễ lớn được chuẩn bị chu đáo.

 

- Phần lễ: Ngày 10 tháng 8 làm lễ mở cửa đền, chuẩn bị cho lễ hội hằng năm, đây là môt việc làm chiếu lệ, thực tế thì đền ngày nào cũng mở cửa tiếp khách.

 

- Lễ vật khai hội: Làng Vạn sắm 8 mâm, mỗi mâm một lợn sống khoảng 70-80kg, đại diện cho 8 giáp. Dược Sơn 4 mâm tương tự, đại diện cho 4 giáp. Về bánh trái có: Bánh trong, bánh bột lọc, bánh chằng gừng, bánh rán, bánh phu thê, xôi mầu và mâm ngũ quả.


Trên đây là lễ vật của hai xã sở tại theo lệ, còn lễ vật của khách thập phương, quan lại các cấp thì có thể nói, cuộc sống đương đại có gì quý báu thì trên mâm lễ có thứ đó. Riêng dân chài lưới ở vùng duyên hải về hội, thường có lợn quay hay lợn sống để cả con, tế lễ xong mang xuống thuyền làm cỗ, ăn dần trong những ngày hội.

 

Ngoài ra, tại đền Kiếp Bạc vào năm 2006, chính quyền chính thức công nhận hình thức sinh hoạt tín ngưỡng lên đồng. Những người theo tín ngưỡng lên đồng thờ Thánh Trần được gọi là Thanh Đồng. Hiện nay lên đồng Trần Triều diễn ra thường xuyên tại đền Kiếp Bạc.

 

DI TÍCH CÔN SƠN – KIẾP BẠC

 

Ngày nay, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là trung tâm văn hóa, tôn giáo - tín ngưỡng lớn ở khu vực đông bắc châu thổ miền Bắc. Trải qua trên 700 lịch sử, tại khu di tích này, các lễ hội truyền thống gắn với khu di tích vẫn được duy trì, có sức thu hút đặt biệt, trở thành nhân tố không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tâm linh của cộng đồng. Hàng năm, hội Côn Sơn (gắn với Trúc Lâm đệ tam Tổ - Huyền Quang) được bắt đầu từ rằm tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng Giêng... Lễ hội đền Kiếp Bạc (gắn với ngày giỗ của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn) được tổ chức từ ngày 16 tháng 8 và kết thúc vào ngày 20 tháng 8 (Âm lịch) hàng năm... Ngoài ra, trong khu vực di tích còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật của nhiều thời kỳ lịch sử, có giá trị độc đáo.

 

Khu vực đền Kiếp Bạc nằm gần Lục Đầu Giang, là nơi tụ hội của sáu con sông: sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và nhánh chính của sông Thái Bình. Một số người theo thuyết phong thủy cho rằng đây chính là nơi tụ khí để gây dựng cơ nghiệp. Theo đường bộ, đền Kiếp Bạc cách Hà Nội khoảng 70 cây số đi theo đường quốc lộ số 1 đến Bắc Ninh rẽ sang đường quốc lộ số 18 và cách chùa Côn Sơn khoảng 4 cây số.

KHU VỰC ĐỀN KIẾP BẠC

Khu vực đền Kiếp Bạc là một thung lũng trù phú ba phía có dãy núi Rồng bao bọc, một phía là Lục Đầu Giang. Núi tạo thành thế rồng chầu, hổ phục, sông tạo thành minh đường rộng rãi. Phía trước đền có cổng lớn có ba cửa ra vào nguy nga, đồ sộ. Trên cổng mặt ngoài có bốn chữ 與天無極 (Dữ thiên vô cực), dưới có 5 chữ "陳興道王祠 (Trần Hưng Đạo Vương từ).


Đền được dựng trên một khu đất ở trung tâm thung lũng Kiếp Bạc, trên một khu đất có diện tích khoảng 13.5km2. Trong đền hiện còn 7 pho tượng bằng đồng: tượng Trần Hưng Đạo, phu nhân, hai con gái, Phạm Ngũ Lão, Nam Tào, Bắc Đẩu và 4 bài vị thờ bốn con trai. Hàng năm, hội đền được tổ chức vào ngày mất của Trần Hưng Đạo (ngày 20 tháng 8 âm lịch), thương gọi là húy nhật Đức Thánh hay “giỗ cha”.


Đền Kiếp Bạc có 2 câu đối lừng danh:

萬劫有山皆剑氣
六頭無水不秋聲 
Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí 
Lục Đầu vô thủy bật thu thanh 
(Vạn Kiếp núi lồng hình kiếm dựng
Lục Đầu vang dậy tiếng quân reo)
Câu đối trên của Thám Hoa Vũ Phạm Hàm (1864 - 1906).

 

Kiếp Bạc, như đã ghi lại phần đầu, gắn liền với Trần Hưng Đạo. Khi đất nước thanh bình Ngài vẫn sống ở Kiếp Bạc. Ngày 20.8 năm Canh Tý (nhằm 05.9.1300) Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn mất tại tư dinh. Trước khi qua đời ông đă dặn lại vua Trần "Khoan thư sức dân là kế sâu gốc, bền rễ, đó là thượng sách giữ nước". Sau khi ông mất, triều đình phong tặng ông là Thái sư Thượng phụ Quốc công Tiết chế Nhân võ Hưng Đạo Đại Vương và cho lập đền thờ ông trên nền Vương phủ gọi là đền Kiếp Bạc.  Do vậy Đền Kiếp Bạc được xem Đền gốc của các Đền Thánh Trần khắp các tỉnh thành Việt Nam và ở thủ đô người Việt tị nạn Little Saigon, Westminster, California, Hoa Kỳ.

Nhân dân Việt Nam suy tôn gọi ông là Đức Thánh Trần, được công nhận là một trong mười vị tướng tài của thế giới.

Trần Hưng Đạo sống là người, thác là thánh. Trong đền này còn giữ được nhiều sắc phong của các vua nhà Nguyễn như Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân phong Trần Hưng Đạo làm Thượng đẳng thần. Các đạo sắc đều ca ngợi chiến công, oai linh, đức độ giúp dân giúp nước của Trần Hưng Đạo. Sắc của vua Tự Đức năm thứ 6 (1854) có đoạn: "Trần Hưng Đạo Đại Vương có công giúp nước, cứu dân, oai linh lẫm liệt, cảm ứng cả trời đất, được nhân dân sùng bái"...


Mời đọc thêm “Những giai thoại về Đền Kiếp Bạc”.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn