ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN - LITTLE SAIGON  - WESTMINSTER - CALIFORNIA
TRẦN HƯNG ĐẠO FOUNDATION (ĐỀN THÁNH TRẦN LITTLE SAIGON)
9078 BOLSA AVENUE tức ĐẠI LỘ TRẦN HƯNG ĐẠO - WESTMINSTER - CA 92683
ĐIỆN THOẠI: (657) 296-7889 | EMAIL: denthanhtran2022@gmail.com| WEBSITE: https://denthanhtran.org và tranhungdaofoundation.org
MỞ CỬA HÀNG NGÀY TỪ 10 GIỜ SÁNG ĐẾN 4 GIỜ CHIỀU KỂ CẢ CUỐI TUẦN & NGÀY LỄ - CHÀO CỜ THỨ BẢY MỖI ĐẦU THÁNG LÚC 10AM

CHIÊU HỒN NƯỚC

04 Tháng Mười Một 20228:17 CH(Xem: 1921)
CHIÊU HỒN NƯỚC 1
Bìa tập thơ CHIÊU HỒN NƯỚC được in năm 1927


CHIÊU HỒN NƯỚC

GIỚI THIỆU: denthanhtran.org hân hạnh giới thiệu bài thơ CHIÊU HỒN NƯỚC gồm 198 câu song thất lục bát của PHẠM TẤT ĐẮC. Khi làm bài thơ lừng danh này, tác giả mới 17 - 18 tuổi, vì tiếng vang của bài thơ yêu nước thống thiết đến toàn dân Việt mà ông đã bị thực dân bỏ tù nhiều năm, sinh bịnh và chết lúc còn rất trẻ, mới 28 tuổi đời.


Bài thơ CHIÊU HỒN NƯỚC được trích đăng lại đúng vào thời điểm thử thách của Trần Hưng Đạo Foundation (tổ chức NGO – Non-Profit Orgnization), cơ quan chủ quản của trang web mà quý vị đang xem: Trong lúc một số thành viên sáng lập và hội đồng quản trị loay hoay trước viễn cảnh tuổi tác, sợ việc duy trì tổ chức gặp trở ngại. Sau 5 năm hoạt động, vào năm 2019 đến nay, Trần Hưng Đạo Foundation đón nhận một số thành viên trẻ, thuộc thế hệ hậu duệ. Một số bạn trẻ này đã được giao phó một số vai trò quan trọng trong Hội Đồng Quản Trị. Các bạn trẻ đã hăng hái thúc giục việc XÂY DỰNG ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN sao cho xứng với uy danh của Ngài, để có nơi thờ tự tỏ lòng tôn kính; để học hỏi và noi gương Ngài tận trung yêu nước;  để hướng dẫn các thế hệ tiếp nối về văn hóa và lịch sử của nước nhà. Sau hơn hai năm chuẩn bị một cách thận trọng, Trần Hưng Đạo Foundation đã hoan nghênh Ý NGUYỆN của các bạn trẻ, hiệp sức hỗ trợ vận động toàn thể đồng hương góp công, góp của để XÂY ĐỀN THÁNH.


Bài thơ CHIÊU HỒN NƯỚC và các bài viết giá trị về tác giả, về nội dung bài thơ sẽ được chia làm nhiều phần. Mời quý bạn cùng đọc.


Denthanhtran.org thành kính tri ân cụ THÁI BẠCH tác giả THI VĂN QUỐC CẤM – THỜI PHÁP THUỘC và các tác giả có bài viết được trân trọng trích đăng.

Nguyên văn bài thơ:


Hăm lăm triệu trẻ già trai gái,

Bốn nghìn năm con cái Hồng Bàng.

Cũng nhà cửa, cũng giang san,

Thế mà nước mất nhà tan hỡi trời!

Nghĩ lắm lúc đương cười hóa khóc,

Muốn ra tay ngang dọc dọc ngang.

Vạch trời thét một tiếng vang,

Cho thân tan với giang san nước nhà.

Đồng bào hỡi! – Con nhà Hồng-Việt,

Có thân mà chẳng biết liệu đời.

Tháng ngày lần lữa đợi thời,

Ngẩn ngơ ỷ lại ở người ai thương!

Nay sóng gió bốn phương dữ dội,

Có lẽ nào ngồi đợi mãi sao?

Đồng bào chút giọt máu đào,

Thương ơi tội nghiệp đời nào xót đây!

Nên mau mau dậy ngay kẻo muộn!

Mà xót thương đến chốn Nhị, Nùng.

Xưa kia cũng lắm anh hùng,

Dọc ngang trời đất vẫy vùng bể khơi.

Xưa cũng có lắm người hào kiệt,

Trong một tay nắm hết sơn hà.

Nghìn thu gương cũ không nhòa,

Mở mày mở mặt con nhà Lạc-Long.

Non sông vẫn non sông gấm vóc,

Cỏ cây xưa vẫn mọc tốt tươi.

Người xem cũng dáng con người,

Cũng tai cũng mắt ở đời khác chi.

Cảnh như thế tình thì như thế,

Sống làm chi, sống để làm chi?

Đời người đến thế còn gì,

Nước non đến thế, còn gì nước non.

Nghĩ thân thế héo hon tấc dạ,

Trông non sông lạ chạ dòng châu.

Một mình cảnh vắng đêm thâu,

Muốn đem máu đỏ nhuộm màu giang san.

Ngọn gió lọt đèn tàn hiu hắt,

Tiếng cuốc kêu giậy mặt anh hùng.

Nghiến răng nuốt cái thẹn thùng,

Mà chiêu hồn cũ lại cùng non sông!

Hồn hỡi hồn con Hồng cháu Lạc!

Bấy nhiêu lâu đói khát lầm than.

Bấy lâu thịt nát xương tan,

Bấy lâu tím ruột thâm gan vì hồn.

Hồn hỡi hồn kìa non nước cũ,

Bấy nhiêu lâu mặt ủ mày châu.

Bấy lâu ngậm tủi nuốt sầu,

Bấy lâu hèn kém vì đâu hỡi hồn.

Trông bốn bể bồn chồn dạ ngọc,

Ngẫm năm châu khôn khóc nên lời.

Đêm khuya cảnh vắng êm trời,

Khôn thiêng chăng hỡi hồn ơi hồn về.

Hồn trở về đừng mê mẩn nữa,

Tính nết xưa phải sửa từ giờ.

Hồn về hồn cố cho nhờ,

Anh em Hồng-Lạc, cõi bờ Việt Nam.

Hồn trở về chớ tham rượu thịt,

Chớ tham nhà cao tít mấy từng.

Kìa con chim ở trong rừng,

Kiếm mồi đâu có lạc chừng quên cây.

Hồn trở về đừng say gái đẹp,

Mà nặng tình kẻ khép phòng thu.

Đường đường một đấng trượng phu,

Lẽ đâu hồn chẳng đền bù non sông.

Hồn trở về chớ mong giàu có,

Mà ước ao xe nọ ngựa kia.

Nghênh ngang mũ áo râu ria;

Trăm nghìn năm vẫn còn bia miệng cười.

Hồn cố về cõi đời chớ chán,

Mà vội đem lòng nản việc trần.

Bát cơm tấm áo manh quần,

Hồn ăn hồn mặc nợ nần thế gian.

Hồn trở về bấm gan mà chịu,

Cảnh biệt ly tình hiếu đôi đường.

Trượng phu trí ở bốn phương,

Lẽ đâu hồn chịu vấn vương xó nhà.

Hồn trở về nguyệt hoa chi nữa,

Mà thoi đưa lần nữa tháng ngày.

Xưa nay những kẻ tỉnh say,

Lòng mê có nghĩ việc hay bao giờ!

Hồn trở về chớ chờ sức yếu,

Mà hồn không định liệu dọc ngang.

Hoặc hồn bảo chẳng biết đàng,

Hoặc hồn không muốn vội vàng làm ngay.

Hoặc hồn sợ tai bay vạ gió,

Mà hồn đành phải bỏ non sông.

Hoặc hồn quen thói phục tòng,

Mà hồn cam chịu cùng giòng ngựa trâu.

Hoặc hồn thường cháo rau no đói,

Mà hồn riêng mong khỏi cơ hàn.

Hoặc hồn đã trải lầm than,

Mà hồn bỏ mất cái gan tung hoành?

Hoặc hồn ở thị thành phố xá,

Hoặc hồn trong túp lá lều tranh?

Hoặc hồn trong chốn rừng xanh,

Hoặc hồn lẩn quất ở quanh sơn hà?

Hoặc hồn ở nước nhà chật hẹp,

 Hoặc hồn đi ẩn nép nước người?

Đêm khuya cảnh vắng im trời,

Khôn thiêng chăng hỡi, hồn ơi hồn về!...

Hồn trở về đừng mê mẩn nữa,

Tính nết xưa phải sửa từ giờ.

Hồn về, hồn cố cho nhờ,

Anh em Hồng lạc, cõi bờ Việt-Nam.

Còn chi sung sướng vẻ vang,

Bằng đem da ngựa chiến trường bọc thây.

Hồn trở về làm ngay ý muốn,

Chớ rụt rè sớm muộn nào nên.

Lẽ thường thành bại đôi bên,

Chớ đo đắn quá mà quên việc mình.

Hồn trở về hy sinh quyền lợi,

Mà tận tâm đối với nước non.

Dù cho thịt nát xương mòn,

Cái bầu nhiệt huyết vẫn còn như xưa.

Hồn trở về hồn mơ hồn mộng,

Nên hồn thành ra giống ngựa trâu.

Hồn về hồn kíp đòi mau,

Tự do hành động mặc dầu dọc ngang.

Hồn trở về bền gan dốc trí,

Chớ có thèm cái vị cao lương.

Tháng ngày dưa muối rau tương,

Còn hơn rượu thịt mà nương nhờ người.

Hồn trở về xoay trời đất lại,

Hồn trở về tát hải đạp sơn.

Chớ nề gió kép mưa đơn,

Mà đem gan trọi với cơn phong thần.

Hồn hỡi hồn xa gần nghe thấy,

Thì vùng lên kíp dậy mà về!

Hoặc hồn ở chốn thôn quê,

Hoặc là hồn ở phủ kia, lầu này?

Nước non cũ bấy nay khao khát,

Ngày ấy qua ngày khác lại qua.

Mấy phen lệ nhỏ máu sa,

Mấy phen xót xót xa xa lòng vàng.

Mong hồn tỉnh hồn càng không tỉnh;

Mong hồn về hồn định không về.

Non sông hồn bỏ lời thề,

Cho non sông chịu trăm bề lầm than.

Hồn hỡi hồn! – Giang san là thế,

Giống Lạc-Hồng tôi kể hồn hay:

Kể từ hồn lạc đến nay,

Đêm đêm khóc khóc, ngày ngày than than.

Cũng có kẻ trên ngàn đổ máu,

Cũng có người nương náu phương xa.

Cũng người bỏ cửa bỏ nhà,

Cũng người lo nghĩ tuyết pha mái đầu.

Cũng có kẻ làm trâu làm ngựa,

Cũng có người đầy tớ con đòi.

Cũng thằng buôn giống bán nòi,

Khôn thiêng chăng hỡi hồn coi cho tường !...

Có mồm nói khôn đường mà nói,

Có chân tay người trói chân tay.

Mập mờ không biết dở hay,

Ù ù cạc cạc công này việc kia.

Hồn hỡi hồn! – Đêm khuya canh vắng,

Hồn nghe hồn có đắng hay không ?

Tôi đây cũng giọt máu hồng,

Cũng xương cũng thịt con Rồng cháu Tiên.

Trông thấy cảnh mà điên mà dại,

Trông thấy tình mà dại mà điên.

Mà sao không thể ngồi yên?

Sa câu gan ruột tôi biên mời hồn.

Hồn nghe thấy nên chồn tấc dạ,

Hồn nghe xong nên khá mà về.

Chớ đừng tỉnh tỉnh mê mê,

Chớ đừng đo đắn trăm bề sâu nông.

Hồn trở về non sông nước cũ,

Mà mau mau giết lũ tham tàn.

Mau mau giết lũ hại đàn,

Túi tham dám chứa bạc vàng của dân.

Hồn trở về cho dân tỉnh lại,

Không ngu ngu dại dại như xưa.

Không còn khó nhọc sớm trưa,

Không còn nắng nắng mưa mưa dãi dầu.

Hồn trở về mau mau hồn hỡi!

Hồn trở về tôi đợi tôi mong.

Hồn về tô điểm non sông,

Hồn về dạy dỗ con Rồng cháu Tiên.

Ngọn gió lọt đèn tàn hiu hắt,

Dân không còn nước mất sao còn?  

Hỡi hồn nước nước non non!

Hồn về tôi sẵn lòng son giúp hồn.

Tôi đây cũng không khôn cho lắm,

Nhưng cũng không dại lắm cho nhiều.

Tôi nay chỉ một lòng yêu,

Nên mong nên mỏi nên chiêu hồn về.

Hồn hỡi hồn! – Hồn về hồn hỡi!

Hồn hỡi hồn! – Hồn hỡi hồn ơi!

Đêm khuya cảnh vắng êm trời.

Khôn thiêng chăng hỡi hồn ơi hồn về!

Bút viết xong tai nghe miệng đọc.

Miệng đọc xong giọt ngọc nhỏ sa.

Nhỏ sa nên chữ hóa nhòa,

Hóa nhòa nên mới in ra nghìn tờ.

In nghìn tờ mà đưa công chúng,

Công chúng xem mong bụng đổi dần.

Đổi rồi thúc kẻ xa gần,

Rằng mau nên trả nợ nần non sông !...

PHẠN TẤT ĐẮC


(Trích từ THI VĂN QUỐC CẤM – THỜI PHÁP THUỘC - Tác giả : THÁI BẠCH Nhà xuất bản : KHAI TRÍ, SÀI GÒN Năm xuất bản : 1968 )

Theo Thái Bạch, tác giả “Thi Văn Quốc Cấm – Thời Pháp Thuộc” thì tác giả bài này là ông Phạm-tất-Đắc sinh ngày 15 tháng 5 năm 1909 tại làng Rũng-Kim, tổng Công-Xá, phủ Lý-Nhân (Hà-nam, Bắc-Việt). Ông là con trai trưởng cụ Phạm-văn-Hạnh và bà Lê-thị-Giáo.  Có  tài liệu nói Phạm Văn Mười là thông phán.

Đỗ tốt nghiệp năm 14 tuổi, ông được vào học trường trung-học bảo hộ Hà-nội (trường Bưởi) năm 1923.

Năm 1926, ở Hà-nội có cuộc lễ truy-điệu cụ Phan-chuTrinh (mất ở Saigon). Ông Đắc đang theo học năm thứ tư để chờ kỳ thi Thành chung thì vì kích thích bởi phong trào bãi khóa, vì tiếng gọi của non sông, và vì không muốn cúi đầu theo lệnh của tên giám thị trường, ông quyết định giữ cái băng đen để tang cụ Tây-Hồ ở tay áo, và chờ cơ hội vượt ra khỏi nước, đồng thời đọc các thi ca ái quốc để hun đúc tinh thần.

Ý nguyện chưa đạt, lại dự thêm cuộc truy điệu cụ cử Lương-văn-Can (nguyên hiệu trưởng trường Đông-kinh Nghĩa-thục) mất năm 1927.

Sau đó vì cảm xúc quá mạnh, với tinh thần non nước, ông Đắc viết ra bài « Chiêu hồn nước » này, đưa nhà in Thanh-niên để xuất bản.

Sách ra được vài hôm, ông Đắc và viên quản lý nhà in bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam.

Khi ra trước tòa án, viên chánh án người Pháp hỏi ông ai xúi viết bài này hoặc nhờ ai viết hộ, ông trả lời : « Đầu tôi nghĩ, tay tôi viết, công việc này hoàn toàn do tôi. » Kế đến, người Pháp lại gọi cụ thân sinh ra trước vành móng ngựa để cật vấn về tội trạng con làm. Cụ khảng khái trả lời : « Con tôi lúc ở nhà, quyền dạy dỗ thuộc về tôi. Nay đi học trường chánh-phủ thì việc nó làm chính phủ phải chịu. Chánh phủ đã nhận công việc giáo dục nó, sao lại hỏi đến tôi ? »


Tòa án thực dân không biết quy tội về ai được. Còn ông Đắc khi ấy mới 18 tuổi, nghĩa là vì chưa đến tuổi trưởng thành. Mặc dù thế, nhưng cường quyền vẫn áp đảo công lý, chúng vẫn buộc tội ông, trừng trị tội yêu nước của ông bằng cách giam trong nhà « Trừng giới » để đợi khi trưởng thành xét nữa. Chúng giải ông lên Bắc-giang giam lại. Ở đó thực dân Pháp sợ ông tuyên truyền lòng yêu nước cho các phạm nhân khác, nên được 3 tháng lại đem về Hà-nội giam vào nhà pha Hỏa-lò như người lớn, bất kể là trái với luật mà chúng đã đặt ra.


Ngày 16 tháng 5 năm 1930, ông được thả ra với điều kiện cha mẹ phải lãnh về trông nom. Năm ấy, ông Đắc 21 tuổi. Nhưng vì cảnh tra tấn tù tội ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe, ông bị bệnh hoài và đến ngày 24 tháng 4 năm 1935 thì mất tại phố Luro (Hà-nội). Lúc ấy mới 26 tuổi. Như thế là thực dân Pháp đã giết ông bằng một cách không gươm không súng, và đã sát hại một con người yêu quý trẻ trung của nước Việt-Nam vậy.


Tiếp theo là một số tư liệu, bài viết của nhiều tác giả đề cập đến tác giả Phạm Tất Đắc và bài thơ Chiêu Hồn Nước bất hủ của ông.


Trang web denthanhtran.org chân thành cảm tạ các tác giả và nhất là những hình ảnh chánh gốc đã quý hóa mà khi được in lại hoặc post lên mạng thì càng thêm phần quý hóa.

Đừng quên: sau khi bài thơ này được in và phổ biến, trong lúc tác giả bị bỏ tù, thì hàng hàng lớp lớp sĩ phu yêu nước đã hưởng ứng, đứng dậy cứu non sông. Điển hình là Việt Nam Quốc Dân Đảng ra đời vào ngày 25 tháng 12 năm 1927 (năm này bài thơ Chiêu Hồn Nước được xuất bản và phân phát khắp Hà nội) và cuộc khởi nghĩa Yên Bái xảy ra vào ngày 10 tháng 2 năm 1930 (năm tác giả bài thơ Chiêu Hồn Nước ra tù).

Tự ngàn xưa nước ta đã có biết bao bậc anh hùng trẻ tuổi, đã thể hiện lòng yêu nước của mình bằng nhiều cách độc đáo.


Điển hình:

CHIÊU HỒN NƯỚC 3
Thời nhà Trần, chúng ta biết thiếu niên Trần Quốc Toản vì chỉ mới 15 tuổi nên không được người lớn cho dự bàn với vua quan và bô lão trong hội nghị Bình Than (năm 1282) nên đã bóp nát quả cam. Chàng thiếu niên ấy quay về  vương phủ, tập họp gia nô và người thân thuộc, lập một đạo quân, thêu cờ hiệu 6 chữ “Phá cường địch, báo hoàng ân”. Chỉ với 6 chữ ấy, Trần Quốc Toản đã đi vào lịch sử với những chiến tích lẫy lừng và hi sinh trên chiến trận chống quân Nguyên lúc mới 18 tuổi.


CHIÊU HỒN NƯỚC 4
Thời chống thực dân Pháp, sinh viên Nguyễn Thái Học năm 1927, 25 tuổi, đã cùng tham gia thành lập Nam Đồng Thư Xã – tiền thân của đảng cách mạng Việt Nam Quốc Dân Đảng. Ông được bầu làm đảng trưởng và chỉ huy cuộc tổng khởi nghĩa Yên Bái 10 tháng 2 năm 1930. Cuộc khởi nghĩa thất bại. Hàng loạt lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng đền nợ nước, kẻ thì chết dưới họng súng, lưỡi gươm máy chém của thực dân Pháp; người thì tuẫn tiết trong lao tù;  hàng hàng lớp lớp chiến binh tan hàng chết bờ chết bụi từ bên trong rừng núi quê hương hay ở đất khách quê người không ai biết đến. Riêng chàng sinh viên yêu nước đã cùng 12 đồng chí bị thực dân Pháp đưa lên đoạn đầu đài ở pháp trường Yên Bái ngày 17 tháng 6 năm 1930. Khi đền nợ nước, Nguyễn Thái Học mới 30 tuổi!

Từ mấy năm trở lại đây, thế hệ tiếp nối; thế hệ sinh ra và lớn lên bên ngoài quê cha đất tổ đã bằng nhiều cách, trong nhiều lãnh vực khác nhau, cùng đứng lên vươn vai ưỡn ngực nhận lãnh trách nhiệm, nhằm kế thừa truyền thống muôn đời của dân tộc Việt. 

Trở lại với bài thơ CHIÊU HỒN NƯỚC. Ta hãy nghe tác giả TRẦN ĐÌNH BA cảm khái trước người tuổi trẻ yêu nước Phạm Tất Đắc:

“Tuổi đời mới 17 nhưng với lòng yêu nước dạt dào, Phạm Tất Đắc đã dốc hết gan ruột của thiếu niên yêu nước mà viết nên Chiêu hồn nước khiến cho chính quyền thực dân phải lo sợ mà trấn áp.

Vang động bài thơ Chiêu hồn nước

 

Theo hồ sơ vụ án của Tòa Thượng thẩm, Phạm Tất Đắc có cha là Phạm Văn Huy, mẹ là Lê Thị Mười (trong Gương người xưa (Tế Xuyên) ghi cha là Phạm Văn Hạnh, mẹ là Lê Thị Giáo). Quê Đắc ở làng Dũng Kim, tổng Công Xá, phủ Lý Nhân, Hà Nam dạo ấy.

Năm 1926 khi cụ Phan Châu Trinh mất, Đắc đang là học sinh Trường Bưởi. Đắc tham gia bãi khóa để tang cụ và bị đuổi.

Đầu năm 1927, bài Chiêu hồn nước của Phạm Tất Đắc được nhà in Thanh niên in và phát hành rộng rãi, gây nên tiếng vang lớn trong công luận dạo ấy với những câu khuấy động lòng yêu nước:

Cũng nhà cửa cũng giang sơn,

Thế mà nước mất nhà tan hỡi giời.

Hay câu:

Đồng bào hỡi! Con nhà Đại Việt,

Có thân mà không biết liệu đời,

Tháng ngày lần lữa đợi thời,

Ngẩn ngơ ỷ lại ở người ai thương.

Lúc làm bài Chiêu hồn nước, Đắc chỉ là một cậu học trò 17 tuổi ta (sinh năm 1909), ấy vậy mà lời thơ theo lối cổ nhưng tình ý, giọng điệu ào ạt như những lớp sóng xô, như giục giã, như thôi thúc đồng bào tỉnh giấc ngủ mê để lo việc nước:

Nghiến răng một cái thẹn thùng,

Mà chiêu hồn cũ lại cùng non sông.

Hoặc là:

Hồn trở về non sông nước cũ,

Mà mau mau giết lũ tham tàn.

Theo lời khai của Lê Cương Đồng cũng như báo cáo của sở Cẩm và cáo trạng của chủ tọa tại phiên tòa xử vụ Chiêu hồn nước, thì nhà in Thanh niên, địa chỉ tại số 108 dốc Hàng Gà đã in 1.000 quyển Chiêu hồn nước dạo tháng 3-1927.

Sau khi sách được in, đích thân tác giả gửi các hiệu sách ở Hà Nội như các hiệu sách ở Hàng Gai, Hàng Bông bán, được nhiều người tìm mua đọc và lan truyền rất nhanh.

Đến ngày 21-3-1927, mật thám phát hiện Chiêu hồn nước được lưu hành. Sở Cẩm liền mua sách ấy, cho dịch và nhận định: “Sách này là sách xui làm dối [rối] loạn, phản đối chính phủ”. Thế là Phạm Tất Đắc và ông chủ nhà in liền bị bắt. Lúc ấy Đắc 17 tuổi còn Lê Cương Đồng 30 tuổi.

Có một điều rất cần đính chính cho được rõ. Lâu nay một số tài liệu nói Chiêu hồn nước được viết ra nhân sự kiện nhà yêu nước Lương Văn Can tạ thế. Tuy nhiên, điều này thực sự không chính xác.

Vụ án Phạm Tất Đắc được đưa ra xử lần đầu ngày 8-6-1927 sau khi Chiêu hồn nước được in và phát hành từ tháng 3-1927. Còn cụ cử Lương Văn Can thì mất sáng 13-6-1927.

Cái chết của cử Can được Hà thành ngọ báo, số 35, ra ngày 13-6-1927 đưa tin: “Cụ cử Lương tạ thế”, trong đó có câu: “Bản báo được tin buồn rằng cử Lương Văn Can mới tạ thế sáng hôm nay tại quý xá phố Hàng Đào số nhà 4 tỉnh Hanoi”.

Án tù của thiếu niên làm thơ yêu nước

Vụ án xử cậu thanh niên Phạm Tất Đắc, thu hút sự chú ý của công luận lắm nên dạo ấy, các báo như Thực nghiệp dân báo, Tiếng dân, Hà thành ngọ báo… đều có đưa tin.

Án Phạm Tất Đắc được xử ở Tòa Trừng trị. Trong phiên tòa được mở sáng 8-6-1927, Hà thành ngọ báo số 31 ra cùng ngày đã tường thuật khá chi tiết phiên xét xử.

Theo đó, từ 7 giờ công chúng đã đến dự khán đông nghịt với thành phần chủ yếu là nam nữ học sinh. 8 giờ 45, Phạm Tất Đắc và Lê Cương Đồng được giải tới. Phiên tòa mở lúc 8 giờ 50 với Quan chánh Gaye làm chủ tọa, Quanh chánh Dumoulin làm Biện lý thay cho Biện lý Paul bị mệt.

Tuy nhiên, sau đó Gaye tuyên bố hoãn phiên xử vì Biện lý Paul bị mệt. Hai trạng sư Bona và Mansohn xin tạm tha cho hai bị cáo nhưng đơn thỉnh cầu bị bác.

Đến ngày 15-6 tòa mở lại, Hà thành ngọ báo đã tường thuật phiên xử trong hai số báo 37 và 38 ở phần “Tin nước nhà” với phần tranh biện hết sức gay gắt giữa bị cáo cùng chủ tọa, biện lý phiên tòa.

Chánh án phiên tòa đọc cáo trạng, nêu rõ Phạm Tất Đắc: “Can phạm về hồi tháng ba làm quyển Chiêu hồn nước để làm náo động, sui [xui] người khởi loạn”.

Đáp lại, Đắc dùng tiếng Pháp phản bác cáo trạng, rằng sách làm ra cốt là “Để công kích cái chế độ cai trị ức bách dân Annam”.

Tiếp theo là phần xét hỏi Lê Cương Đồng, tòa khép tội Đồng là đồng lõa với Đắc vì biết đó là sách chính trị mà vẫn in. Đối lại, Đồng phản bác cho rằng sách đó là sách luân lý nên mới in.

Tòa lại chuyển qua xét hỏi Đắc về nội dung của Chiêu hồn nước. Để khép tội cậu thiếu niên 17 tuổi, chánh án hạch hỏi từng câu, từng chữ trong bài thơ mà tòa cho rằng đã có ý chính trị, phản đối chính quyền. Nào là “nghiến răng” (trong câu Nghiến răng nuốt cái thẹn thùng) là gì? Câu: Chết cho nước da ngựa bọc thây là sao?…

Trả lời những câu hỏi trên, Đắc xin dùng tiếng ta giãi bày cho rõ và phản bác hết cả những lời kết tội dựa vào câu chữ trong thơ. Tỉ như khi tòa hỏi: “Trong sách anh có khuyên người là muốn cho nước Văn minh thời phải vợ bỏ chồng, chồng bỏ vợ, bố mẹ bỏ con, con lìa phụ mẫu là nghĩa làm sao?”.

Đắc đáp: “Bỏ đây là bỏ về đường “tinh thần” chứ không phải bỏ về đường “vật chất”. Thí dụ như tôi bây giờ muốn cho nước tôi văn minh thời tôi phải lìa cha mẹ anh em đi học máy móc mà sáng chế ra; tôi phải quên tình phụ tử thời mới đạt tới mục đích”.

Khi xét hỏi Đồng, tòa kết tội in sách chính trị, in sách không xin phép nhà nước… M. Bertrand đại diện sở Cẩm cũng được gọi tới trình bày về việc phát hiện sách Chiêu hồn nước lưu hành.

Đến lúc kết tội, Biện lý Paul quy Đắc tội chỉ trích người Tây qua Chiêu hồn nước và đề nghị kết tội Đắc thật nặng để làm gương hoặc phải lưu Đắc ở nơi mà Đắc không giao thiệp được với ai.

Bào chữa cho thân chủ, trạng sư Masohn rồi Bona lấy lý cãi cho Đắc và Đồng rồi xin tòa tha cho hai bị can hoặc có phạt thì cho hưởng án treo.

Phiên tòa diễn ra nguyên cả buổi sáng đến 12 giờ 30 mới xong. Chánh án cho dừng phiên tòa để nghị án.

Đến sáng hôm sau, vẫn theo Hà thành ngọ báo số 39, ra ngày 17-6-1927 đưa tin, Phạm Tất Đắc được tòa tha bổng vì “Xét cậu làm quyển sách ấy vốn khờ dại không biết điều phải trái”. Tuy nhiên, Đắc vẫn bị giam vào nhà trừng giới cho đến khi trưởng thành, tức 20 tuổi. Mẩu tin ấy nguyên văn như sau:

“Hồi 10 giờ rưỡi sáng nay thốt nhiên Tòa Trừng trị họp do Quan Chánh Gaye chủ tọa và quan Biện lý Paul giúp việc, tuyên tha cho M. Phạm Tất Đắc vì xét cậu làm quyển sách ấy vốn khờ dại không biết điều phải trái nhưng giam cậu vào nhà Trừng trị cho đến tuổi trưởng thành nghĩa là đến năm cậu 20 tuổi.

Còn M. Lê Cương Đồng, thời tòa phạt sáu tháng tù về tội a tòng với M. Đắc. Phiên tòa này là phiên bất thường nên công chúng không ai biết cả. Tòa tuyên xong án này thời giải tán ngay”.

Nhưng vụ án Chiêu hồn nước chưa kết thúc ở đây. Ngày 21-6, Đắc chống án, quan chưởng lý cũng ký giấy chống án này ngày 25-6.

Gần hai tháng sau, như tường thuật trên báo Tiếng dân, số 2, ra ngày 2-8-1927 và Hà thành ngọ báo số 76 ra cùng ngày cho hay vụ án được xử lại bởi Tòa Thượng thẩm trong buổi sáng.

Đến 3 giờ chiều, tòa tuyên án, kết quả Đắc bị giam ở nhà trừng giới cho đến năm 21 tuổi, còn Đồng bị án sáu tháng tù.

Vụ án Chiêu hồn nước đã thu hút sự quan tâm thực sự của công luận dạo ấy. Dẫu chủ bài thơ bị án tù giam nhưng ảnh hưởng tinh thần của Chiêu hồn nước là không thể phủ nhận.

Bài thơ đã góp cùng với những sự kiện liên tiếp dạo ấy như để tang Phan Châu Trinh, Lương Văn Can… cổ vũ lòng yêu nước của người dân, như hai câu thơ trong Chiêu hồn nước có ghi:

Vạch trời thét một tiếng vang,

Cho thân tan với gian san nước nhà.

TRẦN ĐÌNH BA


(CÒN TIẾP - SẼ CẬP NHẬT)





Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn