ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN - LITTLE SAIGON  - WESTMINSTER - CALIFORNIA
TRẦN HƯNG ĐẠO FOUNDATION (ĐỀN THÁNH TRẦN LITTLE SAIGON)
9078 BOLSA AVENUE tức ĐẠI LỘ TRẦN HƯNG ĐẠO - WESTMINSTER - CA 92683
ĐIỆN THOẠI: (657) 296-7889 | EMAIL: denthanhtran2022@gmail.com| WEBSITE: https://denthanhtran.org và tranhungdaofoundation.org
MỞ CỬA HÀNG NGÀY TỪ 10 GIỜ SÁNG ĐẾN 4 GIỜ CHIỀU KỂ CẢ CUỐI TUẦN & NGÀY LỄ - CHÀO CỜ THỨ BẢY MỖI ĐẦU THÁNG LÚC 10AM

MƯỢN UY ANH HÙNG TRẦN HƯNG ĐẠO - VIỆT CỘNG LĂNG-XÊ VÕ NGUYÊN GIÁP

08 Tháng Bảy 202210:39 CH(Xem: 1076)

 

MƯỢN UY ANH HÙNG TRẦN HƯNG ĐẠO
VIỆT CỘNG LĂNG-XÊ VÕ NGUYÊN GIÁP

  

GIỚI THIỆU:
Một số độc giả hỏi sao trang denthanhtran.org không đăng nội dung Đức Thánh Trần được vinh danh là 10 tướng tài giỏi nhất của thế giới mọi thời đại. Nhân dịp này, chúng tôi tóm lược đề tài này từ lúc xuất hiện vào năm 1993 và lan truyền mãi cho đến nay. Mời quý bạn theo dõi:

Đã từ rất lâu, mấy chục năm qua, trên các trang báo trong nước và các trang mạng đưa chủ đề này tạo được sự quan tâm, thích thú theo dõi. Nhiều trang web dịch ra tiếng Anh để quảng bá nội dung.
 

Một số báo Việt ngữ ở hải ngoại cũng trích đăng và cũng có người thích chí trích chuyển qua email. Đến nay nội dung “Việt nam có 2 tướng được hội đồng Hoàng gia Anh công nhận “10 danh tướng mọi thời đại” trở thành “đầu môi chót lưỡi” nhất là nói đến đại anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.

 

Hiện những trang web Anh và Việt ngữ có nội dung này vẫn còn tồn tại đầy dẫy trên mạng.

 

Nội dung cho rằng Hội Đồng Hoàng Gia Anh hồi năm 1992 công nhận 10 danh tướng, theo thứ tự:

1- Alexander đại đế

Alexandros III của Macedonia được biết đến rộng rãi với cái tên Alexander Đại đế hay (20 tháng 7, 356 TCN - 11 tháng 6, 323 TCN) là basileus (quốc vương) thứ 14 thuộc nhà Argead của Vương quốc Macedonia cổ đại. Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, Alexandros đã chinh phạt gần như toàn bộ thế giới mà người châu Âu thời đó biết đến trước khi qua đời và vì thế thường được xem là một trong những vị tướng thành công nhất, cũng như một trong những chiến lược gia quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Sau khi các thành bang Hy Lạp cổ đại được thống nhất dưới sự cai trị của vua cha Philipos II, Alexandros chinh phục Đế chế Ba Tư, bao gồm cả Tiểu Á, Syria, Phoenicia, Gaza, Ai Cập, Bactria và Lưỡng Hà và mở rộng biên cương đế chế của ông đến tận Punjab thuộc Ấn Độ ngày nay. Chiến thắng của ông trước quân Ba Tư trong trận Gaugamela - chiến thắng quyết định thứ ba của ông trước vua Ba Tư Darius III - được xem là một trong những chiến công hiển hách nhất trong thời kỳ cổ đại; không những thế ông còn đánh tan tác người Scythia - một dân tộc bách chiến bách thắng thời bấy giờ.

 

Di sản của Alexandros bao gồm sự phổ biến văn hóa và sự nguyên hợp hình thành nên từ những tác động do các cuộc chinh phạt của ông đã gây ra, mà điển hình là Phật giáo Hy Lạp. Ông đã cho thành lập khoảng bảy mươi thành phố mang tên mình, nổi bật nhất trong số đó là Alexandria ở Ai Cập. Những thành phố mới được di dân Hy Lạp sinh sống, cùng với sự truyền bá rộng rãi của văn hóa Hy Lạp ở phía đông đã tạo nên một văn minh Hy Lạp mới, mà những khía cạnh vẫn còn thể hiện rõ trong những phong tục tập quán của Đế quốc Đông La Mã còn tồn tại đến gần 2000 năm sau. Bản thân ông cũng sống trong lịch sử và trong các truyền thuyết của các nền văn hóa Hy Lạp và không Hy Lạp. Ngay khi ông còn sống, và đặc biệt sau khi ông qua đời, những cuộc chinh phạt của ông đã là nguồn cảm hứng của một truyền thống văn học mà trong đó ông xuất hiện như là một anh hùng huyền thoại theo truyền thống của Achilles (Asin) năm xưa. Ông bất bại trên chiến trường và trở thành thước đo của các vị chỉ huy quân sự. Cho tới ngày nay, các học viện quân sự trên khắp thế giới vẫn giảng dạy chiến thuật của ông. Alexandros Đại Đế thường được xếp hạng là một trong số những người có ảnh hưởng nhất mọi thời đại.

2- Hanibal Barca

Hannibal là con trai của Hamilcar Barca sinh năm 247 trước Công nguyên - mất 183 trước Công nguyên), là một tướng lĩnh và nhà chiến thuật quân sự người Carthage. Chữ "Hannibal" nghĩa là "niềm vui của thần Baal" (vị thần chủ của người Carthage), còn dòng họ "Barca" của ông có nghĩa là "tia chớp". Chữ Barca có thể được viết là "Barak" hay "Barcas". Cha ông là Hamilcar Barca chỉ huy quân Carthage trong chiến tranh Punic lần I và 2 em trai của ông là Mago và Hasdrubal và anh rể của ông cũng có tên là Hasdrubal. Hannibal sống trong suốt thời kì rối loạn tại Địa Trung Hải, khi nền Cộng hòa La Mã thiết lập quyền lực tối cao với các nước lớn như Carthage, Vương quốc Macedonia, Syracuse và Vương quốc Seleukos. Hannibal là tướng lĩnh nổi tiếng nhất người Carthage. Thành tựu nổi bật nhất của ông là khi nổ ra chiến tranh Punic lần hai, Hannibal đã dẫn một đội quân, gồm voi chiến, từ Iberia qua 2 dãy núi Pyrenees và Alps vào phía Bắc Ý. Trong suốt cuộc xâm chiếm Ý của mình, Hannibal đã đánh tan tác quân La Mã trong hàng loạt cuộc chiến, trong đó bao gồm những trận chiến tại Trebia, Trasimene và Cannae. Sau trận Cannae, rất nhiều đồng minh của nước Cộng hòa La Mã đã gia nhập với Hannibal khi ông hứa sẽ cho họ độc lập và một chính quyền tự trị.

 

Theo một số nhà sử học, Hannibal thiếu các khí tài vây hãm cần thiết để có thể tấn công thành trì kiên cố La Mã, nhưng theo J. F. Lazenby chỉ ra thì đó không phải là sự thiếu các loại vũ khí công thành cần thiết mà là do sự thiếu hụt nguồn tiếp tế và ý định chính trị (political agenda). Ông duy trì một đạo quân tại Ý trong hơn một thập kỉ sau đó và không bao giờ thua một trận đánh lớn nhưng cũng không thể ép người La Mã chấp nhận các điều khoản cho hòa bình. Một cuộc xâm lược phản công vào Tây Ban Nha và sau đó là Châu Phi của quân La Mã buộc Hannibal phải trở lại Carthage, nơi mà ông đã bị đánh bại trong trận chiến Zama. Sau cuộc chiến, ông đã trở thành một quan chấp chính thành công ở Carthage. Ông đã cho ban hành những cải tổ về chính trị và kinh tế để phục hồi Carthage sau khi trả các bồi thường chiến tranh cho Cộng hòa La Mã. Những cải cách của ông bị tầng lớp thượng lưu Carthage chống đối. Bị những thành viên của Viện Nguyên Lão La Mã vốn sợ hãi tài năng quân sự của Hannibal nghi ngờ, ông đã bị La Mã ép đi đày. Trong thời gian bị đi đày, ông sống tại cung điện của Vương quốc Seleukos, nơi mà ông đã trở thành cố vấn quân sự cho vua Antiokhos III trong cuộc chiến chống lại La Mã. Sau khi Antiokhos III thất bại và bị ép chấp nhận các điều khoản của người La Mã, Hannibal tới dừng chân ở Armenia, nơi ông làm việc như một nhà quy hoạch cho việc lập thủ đô mới.

3- Julius Cesar

Gaius Julius Caesar (12 tháng 7 năm 100 TCN - 15 tháng 3 năm 44 TCN) là một vị tướng và chính khách La Mã, người đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện dẫn đến sự sụp đổ của Cộng hòa La Mã và sự trỗi dậy của Đế chế La Mã. Sinh ra trong nhà Julia, một trong những dòng dõi quý tộc lớn ở Rome, Caesar được tiếp xúc và bắt đầu tham gia đời sống chính trị từ rất sớm. Năm 60 TCN, ông cùng với Crassus và Pompeirus (Pompey) thành lập Tam chế thứ nhất, một liên minh chính trị mang tính thống lĩnh Roma trong suốt nhiều năm. Phương cách xây dựng quyền lực của Caesar dựa trên các phương thức dân túy đã đụng chạm và dẫn tới sự chống đối của giai cấp quý tộc lãnh đạo ở Roma, mà đứng đầu là Cato Trẻ với sự ủng hộ thường xuyên của Cicero. Những cuộc chinh chiến thành công tại xứ Gallia của Caesar mở cho La Mã con đường tiếp cận Đại Tây Dương. Julius Caesar được ghi nhận là vị tướng La Mã đầu tiên xây dựng thành công cầu sông Rhein năm 55 TCN và trở thành tướng La Mã đầu tiên vượt qua eo biển Manche và tiến hành cuộc xâm lăng vào xứ Britannia.


Các thành công quân sự lớn lao của Caesar đã mang lại cho ông quyền lực quân sự tối thượng; đe dọa đến chỗ đứng của Pompey, người đã ngả về phe của Viện Nguyên lão sau khi Crassus mất trong trận Carrhae năm 53 TCN. Sau khi chiến cuộc xứ Gaule đến hồi kết, Caesar được lệnh phải từ bỏ quyền chỉ huy quân sự và trở về Roma. Caesar bất tuân lệnh này và thay vào đó ông rời khỏi khu vực tài phán của mình, vượt sông Rubicon tiến vào Roma với một binh đoàn La Mã vào năm 49 TCN. Kết quả là nội chiến nổ ra ở La Mã, với chiến thắng sau cùng thuộc về Caesar. Sau khi lên nắm quyền ở Roma, Caesar bắt đầu tiến hành một loạt chương trình cải cách xã hội lẫn chính quyền, bao gồm cả việc tạo ra và áp dụng lịch Julius. Bên cạnh đó, ông có tiến hành tập trung quyền lực cho chính quyền cộng hòa và trở thành một Dictator perpetuo (Độc tài trọn đời) với nhiều quyền lực chưa từng có. Tuy nhiên những mâu thuẫn chính trị vẫn chưa được giải quyết, và vào ngày Idus Martiae (15 tháng 3) năm 44 TCN, một nhóm Nguyên lão nổi loạn do Marcus Junius Brutus lãnh đạo đã mưu sát thành công Caesar. Việc này khiến cho một loạt cuộc nội chiến nổi ra liên tiếp sau đó ở La Mã, kết thúc với việc chính quyền theo thể chế Cộng hòa không bao giờ được khôi phục và Gaius Octavius Octavianus, cháu trai và cũng là người thừa kế được chỉ định của Caesar, lên nắm quyền lực tuyệt đối với danh hiệu Augustus sau khi đánh bại tất cả các đối thủ khác. Việc Augustus củng cố quyền lực đã đánh dấu sự bắt đầu của Đế chế La Mã.

4- Thành Cát Tư Hãn

Thành Cát Tư Hãn (1162 - 1227) là một Khả Hãn Mông Cổ và là người sáng lập ra đế quốc Mông Cổ sau khi hợp nhất các bộ lạc độc lập ở vùng Đông Bắc Á năm 1206. Ông là một trong những nhà quân sự lỗi lạc và có ảnh hưởng nhất lịch sử thế giới, được người Mông Cổ kính trọng, như là vị lãnh đạo mang lại sự thống nhất cho Mông Cổ. Cháu nội của ông và là người kế tục sau này, Hốt Tất Liệt lập ra nhà Nguyên của Trung Quốc. Tháng 10 năm Chí Nguyên thứ 3 (1266), Hốt Tất Liệt truy tôn Thành Cát Tư Hãn miếu hiệu là Thái Tổ, nên ông còn được gọi là Nguyên Thái Tổ. Thụy hiệu khi đó truy tôn là Thánh Vũ Hoàng đế. Tới năm Chí Đại thứ 2 (1309), Nguyên Vũ Tông gia thụy thành Pháp Thiên Khải Vận. Từ đó thụy hiệu của ông là Pháp Thiên Khải Vận Thánh Vũ Hoàng đế.


Các cuộc chinh phạt của Thành Cát Tư Hãn trên khắp khu vực Á - Âu để bành trướng lãnh thổ đã đem lại sự thống nhất và phát triển giao lưu buôn bán, đồng thời ông cũng thi hành chính sách tự do tôn giáo. Tuy nhiên, Thành Cát Tư Hãn cũng nổi tiếng bởi sự tàn bạo với những người chống đối. Thành Cát Tư Hãn bị nhiều dân tộc coi là hiện thân của sự tàn bạo, nhất là từ Trung Á, Đông Âu và Trung Đông (là những nơi đã từng bị quân đội Mông Cổ thảm sát hàng loạt). Theo ước tính, đội quân của Thành Cát Tư Hãn đã giết hơn 40 triệu người tại các lãnh thổ mà họ xâm chiếm. Có rất nhiều nhân vật nổi tiếng được cho là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn, như Timur Lenk, kẻ chinh phục dân Thổ Nhĩ Kỳ; Babur, người sáng lập ra đế quốc Mông Cổ trong lịch sử Ấn Độ. Những hậu duệ khác của Thành Cát Tư Hãn còn tiếp tục cai trị Mông Cổ đến thế kỷ XVII cho đến khi bị đế quốc Đại Thanh của người Mãn Châu thống trị lại.

5- Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

Trần Hưng Đạo (1228 - 1300) tên thật là Trần Quốc Tuấn, tước hiệu Hưng Đạo đại vương, là một nhà chính trị, nhà quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần. Ông được biết đến trong lịch sử Việt Nam với việc chỉ huy quân đội đánh tan hai cuộc xâm lược của quân Nguyên - Mông năm 1285 và năm 1288. Phần lớn tài liệu nghiên cứu lịch sử và cả dân gian thời sau thường dùng tên gọi vắn tắt là "Trần Hưng Đạo" thay cho cách gọi đầy đủ là "Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn", vốn bao gồm tước hiệu được sắc phong cho ông. Ông là 1 trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Là con của thân vương An Sinh vương Trần Liễu và là cháu nội của Trần Thái Tổ, Trần Hưng Đạo có mối quan hệ mật thiết với hoàng tộc họ Trần và vua Trần Nhân Tông gọi ông bằng bác. Năm 1257, ông được vua Trần Thái Tông phong làm đại tướng chỉ huy các lực lượng ở biên giới đánh quân Mông Cổ xâm lược. Sau đó, ông lui về thái ấp ở Vạn Kiếp. Đến tháng 10 âm lịch năm 1283, nhà Nguyên (sau khi Mông Cổ thống nhất Trung Hoa) đe dọa đánh Đại Việt lần hai, Hưng Đạo vương được Thượng hoàng Trần Thánh Tông, và vua Trần Nhân Tông (lần lượt là em họ và cháu họ ông) phong làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội cả nước. Trên cương vị này, năm 1285, ông lãnh đạo quân sĩ chặn đứng đội quân xâm lược do hoàng tử thứ chín Thoát Hoan.

 

Sau những thất bại ban đầu, quân dân Việt dưới sự lãnh đạo của hai vua Trần, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải và Hưng Đạo vương phản công mạnh mẽ, phá tan quân Nguyên trong các trận Hàm Tử, Chương Dương, Trường Yên, Vạn Kiếp... đánh đuổi hoàn toàn quân Nguyên khỏi biên giới. Năm 1288, quân Nguyên trở lại xâm lược Đại Việt lần thứ ba. Khi tiếp tục được phong Quốc công tiết chế; Hưng Đạo vương khẳng định với vua Trần Nhân Tông "Năm nay đánh giặc nhàn". Ông đã áp dụng thành công chiến thuật của Ngô Quyền, đánh bại hoàn toàn thủy quân nhà Nguyên do các tướng Phàn Tiếp và Ô Mã Nhi chỉ huy trong trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng, buộc quân Nguyên lại phải rút về nước và vĩnh viễn từ bỏ tham vọng thôn tính phương Nam của họ. Tháng 4 âm lịch năm 1289, Trần Nhân Tông chính thức gia phong ông làm "Đại vương" dù chức quyền đứng đầu triều đình khi đó vẫn thuộc về Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải. Sau đó, ông lui về Vạn Kiếp đến khi mất năm 1300. Trước lúc qua đời, ông khuyên Trần Anh Tông: "Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc". Ngoài ra, ông còn để lại các tác phẩm kinh điển như Hịch tướng sĩ, Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư đặt nền móng cho nghệ thuật quân sự Việt Nam kể từ thời Trần đến ngày nay.

6- Oliver Cromwell

Oliver Cromwell (25 tháng 4 năm 1599 - 3 tháng 9 năm 1658) là một nhà lãnh đạo chính trị và quân sự người Anh, người đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập nền cộng hòa ở Anh và sau đó là Huân tước bảo hộ của Anh, Scotland và Ireland. Ông là một trong những chỉ huy của lực lượng quân đội mới đánh bại những người bảo hoàng trong cuộc nội chiến Anh. Sau khi vua Charles I của Anh bị xử tử năm 1649, Cromwell chinh phục Ireland và Scotland rồi cai trị với tư cách bảo hộ công từ năm 1653 cho tới khi ông qua đời năm 1658. Cromwell sinh ra trong một gia đình quý tộc nhỏ và cuộc đời ông hoàn toàn mờ nhạt cho tới đầu những năm 40 tuổi. Có lúc ông sống như một điền chủ nhỏ, rồi sau đó khấm khá hơn nhờ khoản thừa kế từ một người bác. Cũng vào những năm 40 tuổi, Cromwell cải đạo sang Thanh giáo. Ông được bầu vào hội đồng dân biểu ở Cambridge rồi tham gia cuộc nội chiến Anh bên phe những người nghị viên.


Là một chiến binh can đảm (biệt danh "Sắt thép"), ông bắt đầu được biết tới sau khi chỉ huy một đội kỵ binh chống lại toàn bộ quân đội hoàng gia. Cromwell là người thứ ba ký vào lệnh xử tử hình Charles I vào năm 1649 và là thành viên của nghị viện Rump từ 1649 đến 1653. Ông được giao chỉ huy chiến dịch đánh Scotland trong các năm 1650-1651. Ngày 20 tháng 4 năm 1653, Cromwell giải tán nghị viện Rump bằng vũ lực rồi thành lập nghị viện Barebone trước khi trở thành Huân tước bảo hộ của Anh, Scotland và Ireland vào ngày 16 tháng 12 năm 1653 cho tới khi ông qua đời. Khi những người bảo hoàng trở lại nắm quyền vào năm 1660, xác ông bị đào lên, bị treo và bị chặt đầu. Cromwell là một nhân vật gây rất nhiều tranh cãi trong lịch sử nước Anh. Với những sử gia như David Hume hay Christopher Hill, ông là tên độc tài phạm tội giết vua, nhưng với những người khác như Thomas Carlyle hay Samuel Rawson Gardiner, ông là người anh hùng của tự do và dân chủ. Ở Anh, Cromwell được chọn vào danh sách 10 người vĩ đại nhất nước Anh mọi thời đại trong một cuộc bình chọn của BBC năm 2002.

7- Napoleon Bonaparte

Napoléon Bonaparte tên khai sinh Napoleone (15 tháng 8 năm 1769 - 5 tháng 5 năm 1821) là một chính khách và nhà lãnh đạo quân sự người Pháp, người lãnh đạo nhiều chiến dịch thành công trong cuộc Cách mạng Pháp và Chiến tranh Cách mạng Pháp. Ông là Hoàng đế Pháp với đế hiệu là Napoleon I từ năm 1804 đến năm 1814 và trở lại ngôi vua vào năm 1815 trong gần 100 ngày trị vị. Napoleon đã thống trị gần như toàn bộ châu Âu hơn một thập kỉ khi dẫn dắt nước Pháp chống lại một loạt liên minh trong Các cuộc chiến tranh của Napoléon. Ông đã giành chiến thắng tại hầu hết những trận chiến, tạo ra một đế chế rộng lớn thống trị hầu như cả lục địa châu Âu trước khi sụp đổ vào năm 1815. Ông được xem là một trong những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới, những cuộc chiến của ông đã được những trường quân sự khắp thế giới nghiên cứu. Đồng thời, Napoleon cũng được nhiều học giả đánh giá là một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất trong lịch sử loài người.


Napoleon sinh ra ở đảo Corsica trong một gia đình Ý có dòng dõi quý tộc. Ông phục vụ như một lính pháo binh trong quân đội Pháp khi Cách mạng Pháp nổ ra năm 1789. Ông nhanh chóng thăng tiến qua các cấp bậc của quân đội, nắm bắt những cơ hội do Cách mạng Pháp tạo ra và trở thành một vị tướng lĩnh cấp cao ở tuổi 24. Hội đồng đốc chính Pháp cuối cùng đã cho phép Napoleon lãnh đạo một đội quân Pháp tấn công Ý sau khi ông đã dẹp tan quân đội nổi dậy phe Bảo hoàng trong trận 13 Vendémiaire chống lại Chính phủ. Ở tuổi 26, ông bắt đầu các chiến dịch quân sự đầu tiên chống lại Áo và quốc vương Ý ủng hộ nhà Habsburg và chiến thắng gần như tất cả trận chiến, chinh phục bán đảo Ý chỉ trong một năm và thành lập Những nền cộng hòa chị em cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, ông trở thành anh hùng chiến tranh của nước Pháp. Năm 1798, ông dẫn dắt một đội quân viễn chinh tới Ai Cập và điều này trở thành một điểm nhấn lớn cho quyền lực chính trị sau này của ông. Napoleon đã lãnh đạo một cuộc đảo chính trong tháng 11 năm 1799 và trở thành Tổng tài thứ nhất của Nền cộng hòa Pháp.

8- Mikhaiin Cutudop

Mikhail Illarionovich Golenishchev-Kutuzov (16 tháng 9 năm 1745 - 28 tháng 4 năm 1813) là một nhà quân sự, chính khách và nhà ngoại giao của nước Nga Sa Hoàng. Với tư chất thông minh hiếu học, nền tảng từ gia đình cùng đam mê đặc biệt với ngành công binh, Kutuzov nhanh chóng trở thành một học sinh nổi bật trong trường. Đồng thời, Mikhail cũng học thêm tiếng Pháp, tiếng La-tinh, tiếng Thổ, tiếng Anh, tiếng Thụy Điển và tiếng Ba Lan. Ông còn thể hiện niềm yêu thích trong các môn toán học, lịch sử, triết học và văn học; điều này giúp ông được tuyển vào lớp đặc biệt dành cho những học sinh ưu tú, nơi họ được học thêm các kiến thức như lịch sử quân sự, ngoại giao châu Âu. Đến tháng 12/1759, hiệu trưởng Pyotr Shuvalov đã bổ nhiệm Kutuzov làm trợ giảng môn số học và hình học, khi ông mới 14 tuổi. Kutuzov đảm nhiệm nhiều chức vụ về quân sự, đối ngoại dưới thời nữ hoàng Ekaterina II (1762 - 1797), các vua Pavel I (1797 - 1801) và Aleksandr I (1801 - 1825), nổi bật là việc chỉ huy quân đội Nga trong chiến tranh Pháp-Nga (1812).

 

Mikhail Kutuzov sinh ra trong một gia đình quý tộc quân sự có truyền thống lâu đời; thời trẻ, ông từng tham gia các cuộc chiến với Ba Lan (1768), Thổ Nhĩ Kỳ (1768-1774; 1787-1792), lập chiến công nhưng mắt phải của ông bị thương nhiều lần dẫn đến mù vĩnh viễn. Sau đó, Kutuzov thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao ở Ottoman, Phổ, và Thụy Điển. Năm 1805, ông làm tổng chỉ huy liên quân Nga-Áo chống lại quân đội Pháp của hoàng đế Napoléon I trong trận Austerlitz. Từ năm 1806-1812, Kutuzov chỉ huy quân Nga trong chiến tranh với Ottoman tại lưu vực sông Danube. Trong cuộc chiến tranh Pháp-Nga năm 1812, Kutuzov được Nga hoàng Aleksandr I chọn làm tổng chỉ huy quân đội thay Barclay de Tolly. Dưới sự lãnh đạo của ông, quân dân Nga đã đẩy lui quân đội Pháp ra khỏi lãnh thổ, tạo nên bước ngoặt của chiến tranh Napoléon trên toàn cõi châu Âu. Sau đó, Kutuzov được phong làm công tước xứ Smolensk như để vinh danh công lao của ông; nhưng ít lâu sau (1813), ông qua đời. Năm 1973, chính quyền Liên Bang Xô-viết (cũ) đã xây dựng bia tưởng niệm Kutuzov tại Moskva. Tên ông còn được đặt cho một huân chương chiến đấu của Hồng quân Liên Xô trong cuộc chiến tranh Xô-Đức (1941-1945).

9- Georgy Zhukov

Georgy Konstantinovich Zhukov là một sĩ quan cấp tướng và là Nguyên soái Liên Xô. Ông cũng từng là Tổng Tham mưu trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, và là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Đảng Cộng sản (sau này là Bộ Chính trị). Trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai, Zhukov đã lãnh đạo một số chiến dịch quyết định của Hồng quân. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở miền trung nước Nga, Zhukov gia nhập Quân đội Đế quốc Nga và tham chiến trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ông phục vụ cho Hồng quân trong cuộc Nội chiến Nga. Dần dần thăng tiến qua các cấp bậc, đến năm 1939, Zhukov được trao quyền chỉ huy một tập đoàn quân và đã giành chiến thắng trong trận chiến quyết định trước quân Nhật tại Khalkhin Gol, trận đánh đầu tiên trong số bốn giải thưởng Anh hùng Liên Xô. Tháng 2 năm 1941, Zhukov được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng Hồng quân.

 

Sau khi Đức xâm lược Liên Xô, Zhukov mất chức tổng tham mưu trưởng. Sau đó, ông tổ chức phòng thủ tại Leningrad, Moscow và Stalingrad. Ông đã tham gia lên kế hoạch cho một số cuộc tấn công lớn, bao gồm Trận Kursk và Chiến dịch Bagration. Năm 1945, Zhukov chỉ huy Phương diện quân Belorussia 1, tham gia vào Chiến dịch Wisla - Oder và Trận Berlin, dẫn đến sự thất bại của Đức Quốc xã và kết thúc chiến tranh ở châu Âu. Để ghi nhận công lao của Zhukov trong cuộc chiến, ông được chọn là người chấp nhận sự đầu hàng của Đức và kiểm tra Lễ duyệt binh Chiến thắng ở Moscow năm 1945. Sau chiến tranh, sự thành công và nổi tiếng của Zhukov khiến Joseph Stalin coi ông là một mối đe dọa tiềm tàng. Stalin tước bỏ các chức vụ của ông và giáng chức ông xuống các vị trí ít có ý nghĩa chiến lược. Sau cái chết của Stalin vào năm 1953, Zhukov đã ủng hộ việc Nikita Khrushchev giành được quyền lãnh đạo Liên Xô. Năm 1955, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng và làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch. Năm 1957, Zhukov lại bị mất ưu ái và buộc phải nghỉ hưu. Ông không bao giờ trở lại chính trường và qua đời vào năm 1974.

10- Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho, con của ông Võ Quang Nghiêm (Võ Nguyên Thân), một nhà nho đức độ và mẹ là bà Nguyễn Thị Kiên. Gia đình cụ Nghiêm thuộc diện nghèo trong làng, quanh năm phải vay nợ nặng lãi của các nhà giàu như nhà Khóa Uy, một Hoa kiều giàu có ở làng Tuy Lộc kề bên. Võ Nguyên Giáp đã có lần theo mẹ chèo thuyền chở thóc đi trả nợ. Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng những câu chuyện đêm đêm mẹ kể cho cậu nghe về tướng quân Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, kêu gọi các sĩ phu và dân chúng đứng lên chống Pháp bảo vệ non sông, còn cha nói về phong trào đánh Pháp qua bài vè "Thất thủ kinh đô" đầy cảm động, đã gieo vào lòng cậu bé những ấn tượng không bao giờ phai mờ, góp phần nuôi dưỡng ý chí cho sự nghiệp cách mạng sau này. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà hoạt động nổi tiếng của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, nhà chỉ huy và nhà lí luận quân sự xuất sắc của Việt Nam. Tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm: năm 1925 tham gia lãnh đạo phong trào học sinh Huế. Năm 1929 tham gia cải tổ Tân Việt Cách mạng Đảng thành Đông Duơng Cộng sản Liên đoàn. Năm 1930, bị Thực dân Pháp bắt giam. Từ năm 1936 đến 1939, tham gia Phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, tham gia sáng lập Báo “Lao động”, “Tiếng nói chúng ta”; biên tập Báo “Tin tức”, “Dân chúng”. Chủ tịch Uỷ ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương Đại hội.

 

Năm 1940, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau tháng 5/1941, xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức Việt Minh ở Cao Bằng; tham gia khởi nghĩa vũ trang ở Căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng. Năm 1942, phụ trách Ban Xung phong Nam tiến, dùng hoạt động tuyên truyền vũ trang mở đường liên lạc giữa miền núi với đồng bằng Bắc Bộ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhiều tác phẩm quân sự có giá trị nghiên cứu cao như: "Khu giải phóng" (1946), "Đội quân giải phóng" (1947), "Chiến tranh giải phóng và quân đội nhân dân, ba giai đoạn chiến lược" (1950), "Điện Biên Phủ" (1964), "Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng" (1970), "Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân" (1972), "Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc" (1979), "Tư tưởng Hồ Chí Minh và Con đường cách mạng Việt Nam" (2000)… Với những đóng góp cực kỳ to lớn cho cách mạng Việt Nam, Đại tướng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao vàng, hai Huân chương Hồ Chí Minh, hai Huân chương Quân công hạng nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, và nhiều huân chương, phần thưởng cao quý khác…

 

LẬY TẨY TRÒ LỪA BỊP
CỦA BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN


Mời bạn đọc theo dõi bài được đăng trên Website của đài VOA, ký tên Bùi Tín:

Với tựa đề: “Khen quá lố, không nên!” đài VOA đăng như sau:

 

VOA 13/03/2010

Đầu năm nay, báo Quân đội nhân dân ở trong nước đăng một số bài báo ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp "nhân dịp đại tướng bước vào tuổi 100", trong đó nổi bật nhất là bài của tiến sỹ Hồ Ngọc Sơn, nhan đề Thiên Tài Quân Sự Võ Nguyên Giáp.

Để giới thiệu bài viết này, ban biên tập báo Quân đội Nhân dân đưa lại tin: "Năm 1992, Hội đồng Khoa học Hoàng gia Anh vinh danh 10 nhân vật quân sự lỗi lạc nhất mọi thời đại, trong đó có 2 vị tướng kiệt xuất của Việt Nam: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điều đặc biệt trong số những người được vinh danh, duy nhất Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn sống".

Tin trên đây đã được báo Quân đội Nhân dân đưa ra từ năm 1993, không nói rõ nguồn tin ấy lấy từ đâu, sau đó không được một cơ quan truyền thông quốc tế nào xác nhận, nhưng thỉnh thoảng lại được nhắc lại ở trong nước, nghiễm nhiên được một bộ phận độc giả trong nước coi là sự thật. Đến nay, tin ấy lại xuất hiện và tác giả Hồ Ngọc Sơn cũng truyền bá tin này và dựa vào đó để ca ngợi tướng Giáp bằng những thậm từ tuyệt đối.

10 TƯỚNG 1

Tôi luôn theo quan điểm tôn trọng sự thật đúng như nó có. Không thêm không bớt. Không tô hồng, cũng không bôi đen. Không đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại. Không vì ghét ai, giận ai thì tô vẽ họ xấu hơn thực tế dù chỉ một chút, cũng không thân với ai, ưa ai thì tả người ấy tốt hơn thực tế, che dấu bớt mặt xấu một chút. Làm như thế là thiếu công tâm, thiếu khách quan, thiếu lương thiện.

Quả thật đánh giá đúng, thật đúng một con người không dễ chút nào. Mỗi người đều vừa là tác nhân, là chứng nhân của lịch sử, vừa có thể là nạn nhân của lịch sử. Một việc làm có thể đúng về mặt này, trong phạm vi này, lại sai trái về mặt khác, trong phạm vi khác. Lại còn tuỳ theo điều kiện khách quan, tuỳ theo chỗ đứng và góc nhìn, lại còn tuỳ theo lập trường và nhãn quan chính trị.

Tôi có một quá trình quan hệ khá đặc biệt với tướng Giáp để hiểu khá rõ, không dám nói là sâu, là đúng về ông. Tôi gặp ông từ hồi 1948 khi ông còn đi xe đạp từ Việt Bắc về Quân khu IV ở gần Vinh, rồi sau đó ở Tuyên Quang để nghe ông phổ biến nghị quyết về chuẩn bị Tổng phản công. Rồi những cuộc họp tổng kết những chiến dịch lớn ở Việt Bắc và ở Hà Nội. Những lần ông đến thăm báo Quân đội Nhân dân. Đầu tháng 5-1975 ông vào Sài Gòn, yêu cầu tôi trực tiếp tổ chức rồi trực tiếp hướng dẫn cuộc đi xem xét tình hình: thăm cơ sở đặc công (ông Ba Mủ, Tư Chu...), cơ sở chính trị (ông Ba Thực), gia đình mẹ chiến sỹ (Má Tư cầu Muối ), thăm qua các phố xá Chợ Lớn. Sau đó ông cũng yêu cầu tôi đi cùng xuống Cần Thơ thăm Quân khu IX, gặp cả nhóm "đường mòn trên biển". Suốt 2 năm 1977 và 78 tôi đi cùng ông và Đoàn đại biểu quân sự sang Trung Quốc, Liên Xô, CHDC Đức, Ba Lan, Hungari, rồi đi nghỉ ở Sochi bên bờ Hắc Hải. Tôi làm nhiệm vụ trợ lý báo chí cho bộ trưởng, giúp ông trả lời các cuộc phỏng vấn, và mỗi buổi sáng là người đầu tiên làm việc, cùng ăn sáng với ông để báo cáo những tin tức quốc tế mới nhất tôi nghe, ghi được qua máy thu thanh và báo chí. Ở Hà Nội, tôi thường ghé nhà ông trao đổi tình hình, đặt bài ông viết cho báo Nhân dân Chủ nhật. Ông rất muốn biết tình hình xã hội. Ông có lần thốt lên: Như cậu Tín, làm nhà báo sướng thật, muốn vào Chợ Lớn, đi chợ trời, uống sinh tố vỉa hè, ăn sầu riêng Lái Thiêu, tha hồ tự do, mình thì họ cấm!" (vì bảo vệ, an ninh ngăn cản).

Tôi kể lể như trên để bạn đọc hiểu tôi có điều kiện quan sát rất gần, về nhiều mặt, khá cụ thể, sinh động về nhân vật này, huống gì tôi là nhà báo, tò mò, gặp dịp hiếm, cố gặng hỏi ông một số điều ít ai biết, để có điều kiện được nhận xét về ông, và sẽ viết về ông. Tôi đã có một số bài ngắn, mong góp phần nhỏ nhận xét về một nhân vật gắn bó với thời cuộc nước ta, nhưng vài bạn ngăn lại, "lúc này có bao nhiêu chuyện cần kíp khác".Tôi gác lại, để dịp khác.

Qua bài này tôi chỉ góp ý với báo Quân đội Nhân dân và tác giả Hồ Xuân Sơn về bài báo nói trên.

Năm 1994 và 1996 tôi sang London theo lời mời của nhà xuất bản HURST. Bà Judie Stowe trưởng ban Việt ngữ hãng BBC đưa tôi đến thăm Viện nghiên cứu Viễn Đông và Thư viện Hoàng gia. Tôi cố tìm xem có một tin nào về Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh "bàn và bầu ra 10 nhân vật quân sự lỗi lạc nhất mọi thời đại" hay không, thì đều được trả lời là không! Tôi mở máy computơ tại chỗ, tra cứu, đều không thấy gì.Vậy thì đó chỉ là chuyện tưởng tượng, phao tin, bịa đặt, kẻ tung người hứng trên đất ta.

Tôi sang Mỹ nhiều lần, thường ghé qua Thư viện Quốc hội Mỹ - Library of Congress - kho lưu trữ sách báo đồ sộ nhất thế giới, tại đó có thể tìm đọc những báo Nam Phong, Thanh Nghị, Cứu quốc, Nhân dân... từng trang được lưu cẩn thận trên phim, muốn có phiên bản trang nào là có thể có ngay. Tại đó tôi thử tìm tin về 10 hay 100 nhận vật quân sự lỗi lạc nhất mọi thời đại đều không thấy.

Bởi vì năm 1993, báo Quân đội Nhân dân cùng báo Lao động và Thanh niên còn đưa tin là tháng 2- 1984 cũng Hội đồng Hoàng gia Anh đã chọn trong một danh sách 98 viên danh tướng từ cổ chí kim, bỏ phiếu bầu ra 10 vị kiệt xuất nhất để đúc tượng vàng(!) sẽ được đặt tại Viện bảo tàng London (!). Để cho đáng tin, người bịa tin này kể ra tên 3 viên tướng thời Cổ đại là Alexandre Đại đế, Hannibal và César, thời Trung đại là Hưng Đạo Đại Vương, thời dân chủ tư sản là Cromwell và Fredéric Đại đế (nước Phổ), thời Cận đại là Napoléon đệ Nhất và Kutuzov (Nga), thời cận đại là Zukov và Võ Nguyên Giáp.

Để thêm dấm ớt cho tin bịa đặt giật gân trên đây,bản tin còn ghi thêm là Frédéric Đại đế chỉ được 71 % số phiếu bầu, Kutuzov được 72 % số phiếu trong khi Napoléon, Zukov và Võ Nguyên Giáp đều được 100 % số phiếu.

Tôi đã hỏi nhà báo Đỗ Văn, nguyên quyền trưởng ban Việt ngữ của hãng BBC, London, anh trả lời: "Tôi xác định không hề có việc vinh danh như vậy; đó là một tin hoàn toàn vô căn cứ". Anh cho biết thêm: Năm 1992, tiến sỹ John Lewis Pimlott viết cuốn sách "Vietnam-the Decisive Battles" - Việt Nam, Những Trận Đánh Quyết định - lúc ấy tác giả là giáo sư tại Học viện Quân sự Hoàng gia Anh - Royal Military Academy - trong cuốn sách ấy tác giả ca ngợi trận Điện Biên Phủ và tướng Giáp, không hề nói gì đến các tướng của nước khác.

Thế là mọi sự đều rõ. Tôi để công tra cứu trên mạng Google và mạng Wikipedia - bách khoa toàn thư mở cho toàn thế giới - cũng không có chuyện bình chọn quốc tế này.

Tôi muốn nhắn Ban biên tập báo Quân đội Nhân dân kiểm tra kỹ những bài đăng trên báo, tôn trọng người đọc, bảo đảm tính chân thật, tin quan trọng cần có bằng chứng cụ thể. Tôi cũng nhắn tác giả Hồ ngọc Sơn có dũng khí cải chính trên báo, xin lỗi bạn đọc và xin lỗi tướng Võ Nguyên Giáp. Vì nói sai về người khác, dù cho bôi xấu hay khen quá lố đều là không nên. Con người có nhân cách tự trọng không bao giờ muốn người khác khen quá lời về bản thân mình.

Nhân đây tôi cũng đính chính những bài báo nước ngoài kể rằng Bùi Tín là người nhận đầu hàng của tướng Minh. Tôi không bao giờ nhận vơ điều ấy. Tôi luôn nói tôi chỉ là nhà báo, đến dinh Độc lập trưa 30-4, được chứng kiến sự kiện lịch sử này. Các Trung tá Bùi Văn Tùng, chính uỷ lữ đoàn thiết giáp, và Trung tá Nguyễn Văn Hân, trưởng ban bảo vệ Quân đoàn 2, đều yêu cầu tôi vào gặp lại nội các Dương Văn Minh, vì chưa có vị tướng nào đến, tôi là cán bộ cao cấp duy nhất có mặt (mang quân hàm thượng tá). Trong quân đội, cấp trung tá là sỹ quan trung cấp, cấp thượng tá là sỹ quan cao cấp. Mà từ trung cấp lên cao cấp là một khoảng cách lớn, ăn bếp tiểu táo, lớp học riêng, học viện riêng, cửa hàng riêng. Các Trung tá Tùng và Hân đều muốn tôi vào gặp để cho danh chính ngôn thuận.

Tôi chỉ nhận vào gặp khi đã viết xong bài báo, đó là bài báo duy nhất gửi ra Hà Nội được vì bưu điện đóng cửa từ trưa 29, máy điện thoại, fax đều tê liệt. Tôi phải vào trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất để tổ thông tin Ban Liên hiệp quân sự chuyển bằng tín hiệu morse ra Hà Nội.

Sau khi Trung tá Hân giới thiệu: "Một sỹ quan cao cấp QĐND gặp các ông", tướng Minh nói: "Chúng tôi chờ quý ông từ sáng đặng chuyển giao chính quyền". Tôi trả lời :"Không thể có chuyện chuyển giao khi trong tay các ông không còn gì"; thấy họ buồn, tôi nói thêm: "Mọi người Việt Nam đều có thể vui mừng vì chiến tranh đã kết thúc". Họ vui hẳn lên...

Chuyện tôi rút súng buộc mọi người dơ tay là chuyện bịa đặt dựng đứng. Chuyện gán 2 câu trên cho Trung tá Bùi Văn Tùng cũng là khiên cưỡng. Có nhà báo quân đội đi cùng tôi là Trung tá Nguyễn Trần Thiết làm chứng. Trung tá Thiết đã lần lượt ghi tên 37 người có mặt cùng tướng Minh. Trung tá Thiết cũng lấy được tờ thực đơn trưa 30-4 của tổng thống làm tài liệu viết báo.

Xin lỗi bạn đọc tôi đã dông dài nói về mình. Chỉ để thấy rằng những sự kiện lịch sử thường bị méo mó, lệch lạc với thời gian và những động cơ không lành mạnh.

Rồi đây, nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp Trăm tuổi - theo nghĩa đen cũng như theo nghĩa bóng - mong rằng sẽ có những bài viết chân tình, khách quan, đúng mức, được đông đảo bạn đọc tiếp nhận một cách tự nhiên, thảnh thơi.

Hai kiểu phủ định sạch trơn, dùng thóa mạ để giải cơn thù hận hay ca ngợi tâng bốc quá đáng, quá lố như bịa chuyện Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh hay Viện Hàn lâm Hoàng gia Anh bình chọn những Nhân tài quân sự lỗi lạc qua mọi thời đại đều là những thái quá không hay và có hại.

Xin để ngỏ để các bạn tìm hiểu chuyện "bịa đặt hoành tráng" này xuất hiện từ đâu?





Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn