ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN - LITTLE SAIGON  - WESTMINSTER - CALIFORNIA
TRẦN HƯNG ĐẠO FOUNDATION (ĐỀN THÁNH TRẦN LITTLE SAIGON)
9078 BOLSA AVENUE tức ĐẠI LỘ TRẦN HƯNG ĐẠO - WESTMINSTER - CA 92683
ĐIỆN THOẠI: (657) 296-7889 | EMAIL: denthanhtran2022@gmail.com| WEBSITE: https://denthanhtran.org và tranhungdaofoundation.org
MỞ CỬA HÀNG NGÀY TỪ 10 GIỜ SÁNG ĐẾN 4 GIỜ CHIỀU KỂ CẢ CUỐI TUẦN & NGÀY LỄ - CHÀO CỜ THỨ BẢY MỖI ĐẦU THÁNG LÚC 10AM

HƯNG ĐẠO VƯƠNG TRUYỆN HỒI THỨ NHẤT

04 Tháng Bảy 20226:20 CH(Xem: 1748)
BÌA HUNGDAOVUONG 1
SÁCH IN LẦN THỪ NHẤT 1914
HƯNG-ĐẠO VƯƠNG
tác giả: LÊ VĂN PHÚC - PHAN KẾ BÍNH
đề tựa: Thái-Bình tuần phủ PHẠM VĂN THỤ

BÌA HUNGDAOVUONG 2
SÁCH IN LẦN THỨ HAI 1935


Adm chân thành cảm ơn:
“nhà kho Quán Bên Đường”, Việt Nam Thư Quán

đã phổ biến bản PDF tác phẩm này. Trang denthanhtrn.org đánh máy dựa vào 2 bản PDF này. Toàn bộ truyện gồm 18 hồi sẽ được cập nhật cho đến khi hết. Việc đánh máy lại các tài liệu gốc rất cần sự tiếp tay của các bạn. Nếu quý bạn nào thích thú đóng góp công sức đánh máy lại các tác phẩm quý của tiền nhân, vui lòng email cho info@denthanhtran.org , chúng tôi cung cấp file PDF hay sách in bản chính (nếu có) để quý bạn dùng và chúng tôi phụ giúp phần dò chính tả. Tên người đánh máy xếp chữ sẽ được ghi rõ. Chúng tôi hiện có cả ngàn cuốn sách quý muốn được sự tiếp tay của quý bạn để phổ biến.
Đồng thơi cám ơn tác giả các tranh liên quan đến Đức Thánh Trần Hưng Đạo 

 

Về TÁC GIẢ:

Như bản chụp bìa sách Hưng-Đạo vương có ghi: do 2 tác giả Lê Văn Phúc (Hàn-lâm viện tu-soạn) và Phan Kế Bính (cử-nhân). Tác phẩm cũng trân trọng giới thiệu Thái-Bình tuần phủ Phạm Văn Thụ đại-nhân duyệt chính, kính tự.

1- Về Lê Văn Phúc, tài liệu về ông rất ít. Ngoài ghi chú từ sách Hưng-Đạo vương, in lần thứ nhất năm 1914 và lần thứ hai năm 1935, được biết ông giữ chức Hàn Lâm Viện tu soạn vào năm 1914 và ông làm chủ nhà in Đông-Kinh Ấn-Quán ở phố Bông-nệm, đầu Hàng-mành số 16, Hà nội. Nhà in này này in cuốn Hưng-Đạo vương.


Ngoài ra, vào năm 1909, ông còn hiệu đính Nam Hải Dị Nhân Liệt Truyện của Phan Kế Bính.


2- Về Phan Kế Bính, ông là một nhà báo, nhà văn, nhà biên khảo nổi tiếng của nước ta vào đầu thế kỷ trước (thế kỷ XX). Ông sinh năm 1875 và về trời ngày 30 tháng 5 năm 1921 (năm ông mới 46 tuổi). Quê ông ở làng Thụy Khê, huyện Hoàn Long, Hà Đông – nay là phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Năm 1906 ông thi đổ cử nhân nhưng ông không làm quan mà chỉ ở nhà dạy học. Ông tham gia phong trào Duy Tân. Viết báo từ 1907, nhiều thể loại, trên nhiều tờ báo hàng đầu nước ta thời ấy: Đông Dương tạp chí, Lục Tỉnh tân văn, Trung Bắc tân văn. Hiện ở cả Hà Nội và Sài Gòn đều có đường mang tên ông.


Riêng với Đông Dương tạp chí, phần lớn tác phẩm và biên khảo của ông đều đăng trên tạp chí này.


Các tác phẩm của ông:


Các sách biên khảo:

  • "Việt Nam phong tục" (1915): nghiên cứu nghiêm túc, có tính phản biện, về thuần phong mỹ tục của Việt Nam;
  • "Việt Hán văn khảo" (1918): bàn về văn chương chữ Hán ở Trung Quốc, Việt Nam và triết học Trung Quốc;
  • Các sách viết về danh nhân Việt Nam: "Nam Hải dị nhân liệt truyện" (1909), "Hưng Đạo vương" (1914, viết chung với Lê Văn Phúc).

Sách dịch thuật:

  • "Đại Nam nhất thống chí" (1916);
  • "Đại nam điển lệ toát yếu" (1915 - 1916);
  • "Việt Nam khai quốc chí truyện" (1917);
  • "Đại Nam liệt truyện tiền biên" (1918);
  • "Đại Nam liệt truyện chỉnh biên" (1919);
  • Đặc biệt là bộ "Tam quốc chí diễn nghĩa" dịch chung với Nguyễn Văn Vĩnh.

Với hai nhà văn Phan Kế Bính và Lê Văn Phúc, trang denthanhtran.org kính mời quý bạn đọc thêm tác phẩm "Nam Hải dị nhân liệt truyện".


3- Về người duyệt chính Phạm Văn Thụ: Danh nho Phạm Văn Thụ, từng giữ chức thượng-thư bộ Hộ, thượng-thư bộ Binh và Cơ-mật-viện đại thần. Vào cuối đời ông còn được phong hàm Thái-tử Thiếu-bảo, Đông-các Học-sĩ. Ông là tác-giả Thái Bình Thông Chí và Đàn Viên Ký Ức Lục.

===

 

 Mở đầu, chúng tôi giới thiệu bài tựa của Phó bảng Đàn-Viên Phạm-Văn-Thụ.

 

TỰA

Khổ tâm thay! Những nhà sốt-sắng về sự giáo-dục ở vào cuộc đời chọi nhau bằng óc này, chăm chăm lấy bút thay gươm, rỏ mực ra máu, trên đối với hơn 4.000 năm tổ-quốc, dưới đối với  hai mươi nhăm triệu đồng-bào, có khi dùng cách trực-tiếp, cũng có khi dùng cách gián-tiếp.


Cách trực-tiếp nên dùng thế nào? Nên soạn pho sử-yếu, chép toàn bằng chữ quốc-văn; để hết thẩy người nhớn, trẻ con, ai nấy cũng dễ hiểu.

Cách gián-tiếp nên làm thế nào? Nên nhân lối tiểu-thuyết, đặt thành ra bộ quốc-chí, để hết thẩy nhà-quê, kẻ-chợ, đâu đấy cũng thích xem.

Bởi vì chữ là chữ nước mình, sử là sử nước mình, truyện là truyện nước mình, hồn vía văn-minh phảng phất ở đó. Nếu muốn lên đàn diễn phép chiêu lấy quốc-hồn, mở xưởng rèn nghề đúc nên dân-trí, chi bằng lập chữ bản-quốc, học sử bản-quốc, xem truyện bản-quốc; nhưng dùng cách gián-tiếp có nhẽ so với cách trực-tiếp lại càng khỏe hơn, tiện hơn và mau hơn.

Nước ta lập quốc đã lâu, khai hóa cũng sớm. Nam-đế sơn-hà. Thư giới rạng vẻ, trải bao phen lừng lẫy cõi Á-đông, nước tuy già, nhưng hồn vẫn tỉnh táo, nhẽ đâu ngủ mê mãi, không ai khua thức dậy. Trách vì cớ giáo-dục của dân nước ta, trước kia nhầm lẫn, chữ nước mình chả lập, sử nước mình chả học, truyện nước mình chả xem, đâu là sử Tam-hoàng cho chí Tống, Nguyên, Minh, Thanh, nhớ như văn sách, đâu là truyện Tam-quốc cho chí Thuyết-đường, Thủy-hử, diễn thành tấn tuồng, chỉ chăm những sự đâu đâu, mà gốc tích nhà mình, loài giống mình, họ đương mình, nào ai là ông khởi-tổ sáng lập ra nước, nào ai là bực anh-hùng cạnh tranh với Tàu, ai là kẻ có công-đức với quốc-dân, ai là người đáng kỷ-niệm trong xã-hội, hỏi đến thì mơ hồ không biết, hoặc xao nhãng không nhớ, rõ thật là mồ cha chả khóc, khóc đống mối, mồ mẹ chả khóc, khóc bối bòng bong.

Than ôi! Bố rồng, mẹ tiên, còn nòi giống cũ; núi xanh nước biếc, vẫn đất cát nhà; cùng chôn rau cắt rốn trong cõi Việt-Nam, ai chẳng mong có lúc mở mặt mở mày với trên thế-giới. Nhưng trước hết phải lấy phù phép luyện quốc-hồn, làm máy móc khai dân-trí, in hai chữ quốc-gia vào óc, sẽ có thể gánh một quả địa cầu trên vai.

Quốc-hồn ta ở đâu! Quốc-hồn ta ở đâu! Sau đời vua Ngô-vương Quyền, vua Lý Nam-Đế, trước đời vua Lê Thái-Tổ, vua Nguyễn Quang-Trung, nảy ra một bậc đại anh-hùng ấy là ai? Là đức Hưng-đạo đại-vương Trần Quốc-Tuấn đó.

Đương lúc thế-lực nhà Nguyên chấn động khắp cả châu Âu, châu Á, ai ngờ trứng chọi với đá ngoài nước Nhật lại có nước Nam ta. Dẫu cho rằng đất thiêng, người giỏi, vua thánh, tôi hiền, phúc nước đã đành rồi, nhưng rút lại cũng trông cậy ở lòng người là vững.

Người ta tưởng nhà Trần có ông Hưng-Đạo, cũng như nhà Lý có ông Thường-Kiệt, an nguy hệ lụy ở một tay; không biết rằng cá khỏe vì nước, chim khỏe vì rừng, có đoàn-thể rồi mới mong có quyền-lực được, trong có một ông Hưng-Đạo, mà ngoài bách-quan hết thẩy như anh em ông Hưng-Đạo, trên có một ông Hưng-Đạo, mà dưới cử-quốc hết thẩy như con cháu ông Hưng-Đạo. Phỏng chỉ một ông Hưng-Đạo vác thanh thần-kiếm địch sức với lũ Phạm-Nhan, chưa chắc đã thua nào, huống chi hằng-hà sa-số ông Hưng-Đạo đeo chữ “sát-thát” thi gan với nòi Mông-cổ, một giọt thiết-huyết rơi đến đâu lở đất long giời, một ngọn nghĩa-kỳ phất tới đâu cuốn mây quét gió, dẫu mười cậu Thoát-Hoan thái-tử, trăm chú Mã-Nhi kiêu tướng, cũng chả vần chi.

Lạ thay! Nhà Trần vì đâu gây dựng nên cách dân-đoàn, chỉ vì theo tôn-giáo Phật, biết nghĩa xả-thân cứu thế, thật bác-ái, thật mạo-hiểm, thật nhẫn-nại, tu trọn ba điều tâm-đức, và mở ra một cách văn-minh; này như: vua tôi ăn yến, dắt tay mà hát, có ý bình-đẳng; hội đồng kỳ-lão bàn sự đánh Nguyên, có ý lập-hiến; rất tốt là lý-trưởng, dùng toàn ngũ lục phẩm quan, giao quyền xử đoán, đã phân minh ra cách địa-phương tự-trị rồi. Bởi vậy dân quyền ngày càng trọng, dân-đức ngày càng tiến, và quốc-hồn ngày càng khỏe mạnh. Tiếc cho trước kia quốc-sử không vẽ được hết cái tinh-thần, mà sau này quốc-dân chỉ biết sùng kính những cái hình-thức, nào đâu là lập lĩnh, lập điện, lên cốt, lên đồng, bắt tà, bắt ma, phát bùa, phát dấu, thành ra một thói tín mê, so lấy nghĩa kỷ-niệm công-đức, đã là trái cách văn-minh; luận đến điều tiết-độc thần-minh, lại đáng ghép vào tội lệ. Sao không nghĩ vua quan nhà Trần đều học Phật, mà đắc đạo đấy, đối với chúng-sinh cần sự xá-thí, chớ có mong gì hưởng báo đâu; nếu ta biết sùng kính ông Hưng-Đạo về sự thánh thần thì cái quốc-hồn ta tỉnh; nếu ta chì sùng kính ông Hưng-Đạo về sự ma quỉ, thì cái quốc-hồn ta mê. Mê mê, tỉnh tỉnh, bởi tự lòng ta, hễ có học vấn, thì sẽ có tư tưởng, có tư tưởng thì sẽ có ngôn luận, có ngôn luận thì sẽ có sự thực.

Nay gặp hội nhà-nước rộng lòng khai hóa, bắt đầu sự học cần bậc phổ-thông, muốn dùng cách trực-tiếp chăng, chả gì bằng soạn sử quốc-ngữ; muốn dùng cách gián-tiếp chăng, chả gì bằng soạn truyện quốc-ngữ; lột hết cái tinh-thần quốc-sử ra chữ quốc-văn, thật ích cho đồng-bào ta lắm; tiện cho học-giới ta lắm. Tôi vẫn ước ao dịp này, sao cũng có nhà chước thuật, vì nước tổ Việt ta mở rạp diễn-văn, may sao gặp sở Đông-kinh-ấn-quán đưa bộ sách này, xét thể cách hệt như lối Tam-quốc-chí, vừa có sự thực, vừa có nghị-luận, chắc những người có huyết linh, xem sách này ai cũng phải kính, cũng phải mến, cũng phải hát, cũng phải khóc, cũng phải đặt quyển mà thở dài. Vậy đốt hương mà viết bài này, trước là ghi cái cảm tình của quốc-dân, sau nữa giải cái khổ-tâm của người tác giả. Thử hỏi nay những nhà sốt-sắng về sự giáo-dục nghĩ làm sao đây?

Đàn-viên PHẠM-VĂN-THỤ kính soạn 

VÀO TRUYỆN:

 

HỒI THỨ NHẤT

Nhân dịp biến, anh-hùng xuất hiện,

Ỷ thế to, đạo-khấu tung hoành.

 



Trải xem xưa nay nước Nam anh-hùng, hào-kiệt cũng nhiều, mà anh-hùng lại thường nhân lúc biến loạn mới hiển tiếng. Về thời trước như Ngô-Quyền, Đổng-thiên-vương, Bố Cái-đại-vương, Đinh-tiên-hoàng, hai vì Trưng-Trắc, Trưng-Nhị, Lý-thường-Kiệt, tuy so với  thế-giới thì chưa thấm vào đâu, nhưng trong một thời làm nên công nghiệp kinh thiên, động địa, cho dân cho nước được nhờ, thì cũng lưu được tiếng thơm về sau, khiến cho ai ai nghe thấy truyện, phải kính, phải trọng, phải yêu, phải mến, mà đúc nên được một cái hồn tỉnh táo trong cõi Nam-việt.

Từ khi những bậc anh-hùng ấy quá vãng, non nước trải bao thu, kế đến nhà Trần, mới lại có một tay đại anh-hùng xuất thế.

Triều nhà Trần, lòng giời mở vận Đông-a, tổ tích phát tại làng Tức-mặc (về huyện Mỹ-lộc, tỉnh Nam-định). Vua Thái-tôn thay ngôi nhà Lý, ngài là một vị minh quân, lại nhờ có văn võ trăm quan, hết lòng phò tá. Tự khi lên ngôi đến bây giờ, ngoài 30 năm, bốn phương yên ổn, trăm họ vui vẻ thái bình.

Bấy giờ bên Tầu đang thời Lý-tôn nhà Tống. Nhà Tống lúc ấy đang vận suy nhược, mà vận nhà Nguyên sắp lên. Nhà Nguyên thì vốn là giống Mông-cổ. Vua thế-tổ nhà Nguyên tên là Hốt-tất-Liệt, đang lúc cường thịnh binh hùng tướng dũng, nay đánh Kim mai lấn Tống, chỉ chăm việc mở mang bờ cõi.

Trong năm Đinh-tị, niên hiệu Nguyên-phong thứ bẩy (năm Bảo-hữu thứ năm nhà Tống, lịch tây 1257 sau Thiên-chúa giáng sinh), tướng Mông-cổ tên là Ngột-lương-cáp-Thai (có bản dịch là Ô-lan-cáp-Đạt) nhân vừa bình định xong đất Đại-lý (tức là đất Vân-nam) tháng tám kéo quân tràn sang phận Hưng-hóa nước Nam.

Chúa trại Qui-hóa tên là Hà-Khuất, vội vàng sai người chạy ngựa phi báo về kinh-đô Thăng-long (tức Hà-nội).

Bữa sau vua Thái-tôn khai chầu, trăm quan áo mũ lạy trước sân rồng, tung hô ba tiếng, rồi có Thái-sư tướng-quốc là Trần-thủ-Độ (chú vua) ra ban tâu rằng:

- Tâu bệ-hạ, nay có chúa trại Qui-hóa báo tin rằng quân Mông-cổ tràn vào phận Hưng-hóa, xin thánh chỉ phán cho làm sao?

Mặt rồng nổi giận, phán rằng:

- Mông-cổ vô cố dám lấn vào cõi ta, chẳng hay văn võ các ngươi, cí ai ra phòng ngữ được cho trẫm không?

Có một vì vương bước ra tâu rằng:

- Muôn tâu bệ-hạ, thần xin cất quân ra phòng ngữ.

Vua nhác trông ra thấy một vì mắt phượng, môi son, trán cao, hàm én, oai phong dũng mạnh, tướng mạo khôi ngô, mới gần trạc 30 tuổi.

Vua cả mừng nói rằng:

- Nếu cháu có bụng can đảm như thế, vậy thì cho cháu cất quân đi, nhưng ra đó mà liệu thế không chống nổi, thì lập tức phi báo về cho trẫm biết.

Vị ấy mừng rỡ lạy tạ giở ra, các quan đều trông mặt thì là Hưng-đạo vương, ngài họ Trần húy Quốc-Tuấn, phụ thân ngài là An-sinh vương Liễu, tức là anh ruột vua Thái-tôn, mẫu thân là An-sinh vương phu-nhân, húy Nguyệt.

Khi trước, phu-nhân có mơ thấy một ông thần, tinh vàng, tướng ngọc, tự xưng là Thanh-tiên-đồng-tử, phụng mệnh Ngọc-hoàng, ban cho kiếm ấn và đủ tam tài, ngũ bảo, xuống xin đầu thai. Nhân thế có mang. Đến khi sinh ra ngài (1) gió thơm ngào ngạt, ánh sáng rực nhà. Cách hôm sau có người đạo-sĩ đến nói rằng: “Đêm qua tôi coi thiên văn, thấy một vì tướng tinh sa xuống ở đây, vậy tôi xin đến bái kiến.” An-sinh-vương đưa ngài ra cho đạo-sĩ xem. Người ấy xem xong, nói rằng: “Quí hóa! Vương-tử mai sau tất yên được dân, cứu được đời, làm vẻ vang cho nhà-nước.”

Ngài đầy tuổi tôi đã biết nói. Lên sáu tuổi đã biết bày bát trận, làm thơ ngũ ngôn, thông minh khác chúng, An-sinh vương kén những người có tài dạy ngài học; ngài học đến đâu thông đến đấy, xem rộng các sách, mà học thì cốt trọng trung hiếu làm đầu. Lại kiêm tập cà nghề võ; thường bàn thao-lược với Chiêu-văn vương Nhật-Duật (con thứ sáu vua Thái-tôn), đêm ngày không biết chán, hai anh em rất tương-đắc với nhau. Có khi hầu vua giảng sách trong tòa Kinh-diên, giảng bàn nghĩa-lý, ứng đối như nước chảy. Khi nào nhàn thì tập bắn. Lại thường đem lục-thao, tam-lược của Thái-công, Tử-phòng diễn làm trận đồ, để dạy các tướng. Ngài xử với người bề dưới thì hiền-từ, tiết-kiệm, khoan-dong, đó là tam-tài; dùng người thì kén người trí-mưu, nhân-hậu, dũng-lược, trung-thực, tin-cẩn, đó là ngũ-bảo, cho nên các tướng-sĩ nhiều người vui lòng theo với ngài.

Hưng-đạo vương có bốn con, con cả là Hưng-võ vương Trần-quốc-Hiến, thứ hai là Hưng-hiến vương Quốc-Uy,  hai vị bấy giờ đã 15, 16 tuổi, giỏi  nghề cung ngựa, sức lực hơn người. Con thứ ba là Hưng-nhượng vương Quốc-Tảng, con thứ tư là Hưng-trí vương Quốc-Nghiễn, hai vị này thì mới 12, 13 tuổi, còn đang học hành. Lại có một cô con gái tên là Trinh và một cô con nuôi tên là Nguyên. Hai người tuy nhỏ, nhưng nhan-sắc, trông đã xinh-giòn, cũng đang học nghề nghiên bút.

Ngài lại có 5 tướng bộ-hạ cực giỏi: một người là Dã-Tượng, sức khỏe như voi; một người là Cao-Mang; một người là Đại-Hành, một người là Nguyễn-địa-Lô, ba người ấy cũng võ nghệ cao-cường, muôn người khôn địch. Một người họ Yết tên Kiêu tự là Hữu-Thế, người làng Hạ-bì tỉnh Hải-dương, khi trước thường vác cuốc ra bãi bể, thấy hai con trâu trắng ở dưới bể lên chọi nhau trên bể cát, một hôm Yết-Kiêu ngồi rình cầm cuốc đánh vào đầu trâu, trâu chạy nhào cả xuống bể; Yết-Kiêu giơ cuốc xem thì có lông trâu dính đầu cuốc; Yết-Kiêu cho là của quí, nuốt ngay vào bụng, tự bấy giờ sức khỏe lạ thường, lội dưới nước như đi trên mặt đất.

Khi ấy Hưng-đạo vương phụng mệnh về nhà xếp đồ khí giới, chia quân làm hai mặt, sai Dã-Tượng dẫn một đạo đi đường bộ; Yết-Kiêu dẫn một đạo đi đường thủy; ngài dẫn hai con là Hưng-võ vương, Hưng-hiến vương và các tướng đi sau. Tháng chín năm ấy, trống vang trời, cờ dợp đất, ba đạo quân tự thành Thăng-long kéo lên mặt Hưng-hóa.

Tướng tiên phong là Dã-Tượng đến trước, cắm đồn lập trại, chia giữ các nơi, cách vài ba ngày, Hưng-đạo vương dẫn đại quân cũng đến nơi.

Ngột-lương-cáp-Thai nghe tin đại quân chia làm hai ngả kéo đấn, liền sai phó-tướng là Xích-tu-Tư dẫn quân đánh mặt thủy, còn mình thì dẫn quân đánh mặt bộ.

Hưng-đạo vương dàn trận, sai Dã-Tượng ra khiêu chiến, Dã-Tượng cắp đao phi ngựa ra trước trận, thét to lên rằng:

- Bớ quân khuyển-dương kia! Sao dám vô cố xâm phạm vào nước tao?


Ngột-lương-cáp-Thai nổi giận, sai tên kiêu-tướng Áo-lỗ-Xích múa thương ra địch. Hai tướng đấu nhau hơn 100 hợp, chưa rõ được thua, bỗng dung trong trận Ngột-Lương trống nổi ầm ầm, quân Mông-cổ chia làm hai mặt tràn đến, như nước vỡ đê. Hưng-đạo vương vội vàng chia quân ra địch; nhưng quân mình ít, quân Mông-cổ thì nhiều, Hưng-đạo vương liệu bề cự không nổi rút quân chạy về Sơn-tây. Quân Mông-cổ thừa thế, đuổi tràn mãi xuống mạn sông Thao mới đóng quân.

Yết-Kiêu nghe đại quân về Sơn-tây, sai người về kinh-đô cáo cấp.

Vua Thái-tôn được tin cả kinh, hội quần thần lại thương-nghị, rồi truyền chỉ ngự-giá thân-chinh.

Sáng hôm sau, sai kén 10 chiếc thuyền rồng cực to, và 300 chiến thuyền. Vua dẫn quân Thánh-dực (tức quân Ngự-lâm) làm trung-quân; Thái-sư Trần-thủ-Độ và Tướng-quân là Nguyễn-Khoái dẫn tả-quân; Thái-úy là Trần-nhật-Hiệu và tướng-quân là Trần-bình Trọng dẫn hữu-quân. Mỗi cánh dẫn 100 chiến thuyền, 3.000 quân sĩ. Lê-phụ-Trần dẫn 20 chiến thuyền làm tiên-phong.

Thượng tuần tháng chạp, chiến thuyền kéo tự sông Phú-lương (tức sông Nhị-hà) lên mạn sông Thao, đem quân lên bộ dàn trận.

Ngột-lương-cáp-Thai dẫn quân ra đánh. Vua xông pha mũi tên hòn đạn, đốc thúc các tướng vào đánh. Tướng tiên-phong là Lê-phụ Trần, một thương một ngựa, xông thẳng vào trận giặc đánh giết, ngựa đến đâu, quân Mông-cổ rẽ ra đến đấy. Tuy vậy quân Mông-cổ bấy giờ đang mạnh thế quá, các tướng đánh cũng hăng, nhưng vẫn kém thế. Một hồi lâu quan quân dần núng thế phải lui. Vua dẫn quân xuống thuyền chạy về, sai Lê-phụ Trần đi đoạn hậu, giặc cũng kéo xuống thuyền đuổi theo, tên bắn ra như mưa, Phụ-Trần cầm một mảnh ván thuyền đỡ tên, thuyền vua chạy thoát.

Hưng-đạo vương trông thấy thế giặc to quá, liệu bề giữ thành không nổi cũng rút quân về.

Quan quân lui về đến đâu, thì giặc thừa thế, đuổi tràn đến đấy. Dần dần tràn xuống đến sông Phú-lương. Ngột-lương-cáp-Thai vào phá kinh-thành, thấy ba người sứ-giả bị giam trong ngục, người nào cũng trói bằng trạc tre, lẳn vào trong thịt. Nguyên là sứ của Mông-cổ, sai đến dụ hàng, mà vua không nghe, giam lại ở đấy. Quân Mông-cổ mở trói cho ba người ấy, thì một người bị đau mà chết.

Ngột-lương-cáp-Thai giận lắm nghiến răng mà nói rằng:

- Ái chả! Ai ngờ quân Nam-việt độc dữ lắm vậy, xưa nay hai nước đánh nhau, không giết đến sứ-giả bao giờ, mà nỡ xử tệ ác thế?

Lập tức truyền quân-sĩ, cho làm cỏ nhân dân trong thành. Thương hại thay! già trẻ trăm họ bấy giờ, tóc bạc, đầu xanh, làm gì nên tội, chẳng may gặp phải quân hung-ác, giận cá chém thớt, nó biết trách người xử tệ, mà nó xử tệ lại gấp trăm, gấp nghìn! Xưa nay an-nghiệp sung-sướng nhường nào, mà bỗng dưng người bị đâm, kẻ bị chém, người già, con trẻ cũng mắc phải tai nạn, cửa nhà tàn phá, vườn ruộng tan hoang, nói ra xót ruột đau lòng, ai là không muốn sả thây moi ruột những quân tàn ác ấy.


Quân Mông-cổ làm cho phũ tay tàn ác, rồi lại tiến đuổi theo đến bến Đông-bộ-đầu (thuộc huyện Thượng-phúc, Hà-nội). Vua lui về sông Thiên-mạc (thuộc về phủ Lý-nhân).

Hưng-đạo vương bấy giờ tuy được dự cầm quân, nhưng quyền chính còn do tự thái-sư Trần-thủ-Độ, và thái-úy Trần-nhật-Hiệu. Thủ-Độ cũng là một tay tài cán giỏi, hết lòng lo việc nước. Nhật-Hiệu thì tiếng là hoàng-thân, cầm quyền triều đình, mà trí mưu thì kém, lâm lúc nguy hiểm không có tài ứng biến.


Khi ấy vua thấy quân Mông-cổ mạnh thế, quân mình đã nguy núng đến nơi. Ngự thuyền đến hỏi Nhật-Hiệu xem có kế gì không. Nhật-Hiệu đang ngồi đầu thuyền, thấy vua hỏi, không biết nghĩ làm sao, mới cầm cái bơi chèo viết xuống nước hai chữ “Nhập Tống”, là có ý khuyên vua chạy sang Tống.


Vua lại hỏi:


- Thế quân Tinh-cương (2) ở đâu?


- Tâu bệ-hạ, đòi chúng nó không đến nữa.


Vua bực mình, quay thuyền đến hỏi Trần-thủ-Độ. Thủ-Độ thì gan vẫn vững, mà ứng biến lại nhanh, liền tâu rằng:

- Muôn tâu bệ-hạ đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ-hạ đừng lo!

Vua thấy nói cứng cỏi, bấy giờ cũng hơi vững dạ.

Đó là:

Chỉ vị bền lòng lo việc nước,

Mới hay phá giặc lập công to.


Chưa biết sự thể về sau thế nào, sẽ xem hồi sau phân giải.


ĐÓN XEM HỒI THỨ HAI
(sẽ được đưa lên sau khi đánh máy xong)

=====

CHÚ THÍCH:

(1) Xét trong hành-trạng lục, thì nói ngài sinh ngày mồng mười tháng chạp năm Nhâm-Tí niên hiệu Nguyên-phong thứ hai. Nhưng cứ so với Sử-ký thì chắc là sai. Vì năm Nguyên-phong thứ bẩy, ngài đã phụng mệnh đi đánh giặc, không có nhẽ mới 5 tuổi. Vả lại ngài mất năm Canh-Tí, thời vua Anh-tôn, niên hiệu Hưng-long thứ tám, thì đã ngoài 70 tuổi. Cứ như hành-trạng, thì mới ngoài 40 tuổi, cho nên biết là sai.
(2) Tinh-cương là tên phong ấp của Trần-nhật-Hiệu

=====

 

HẾT HỒI THỨ NHẤT, NHẤN VÀO HỒI THỨ HAI ĐỂ ĐỌC TIẾP
MỜI ĐỌC THÊM:
(nhấn vào tựa, bài sẽ hiện lên để đọc)
LẬT TẨY BÁO ĐẢNG: GIẢ TÀI LIỆU ĐỂ LĂNG-XÊ VÕ NGUYÊN GIÁP, DỰA HƠI TRẦN HƯNG ĐẠO
GIẢI NGHĨA TÊN NƯỚC TA THỜI LẬP QUỐC - MANG NHIỀU NGỤ Ý ĐỘC ĐÁO CỦA TỔ TIÊN VIỆT NAM
KHOA HỌC & KHẢO CỔ QUỐC TẾ CHỨNG MINH NƯỚC XÍCH QUỶ và VĂN LANG CÓ THẬT - XƯA NƯỚC TA RỘNG TỚI 2/3 ĐẤT NƯỚC TÀU NHƯ BẢN ĐỒ HIỆN TẠI
PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG CÓ THẬT: SỬ TÀU GHI RÀNH RÀNH
TÊN GỌI "VIỆT" DO TỔ TIÊN TA ĐẶT - DỨT KHOÁT KHÔNG PHẢI TỪ NGƯỜI TÀU!
LÀ NGƯỜI VIỆT NAM PHẢI HIỂU RÕ NGUỒN GỐC DÂN TỘC VIỆT NAM




Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn