ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN - LITTLE SAIGON  - WESTMINSTER - CALIFORNIA
TRẦN HƯNG ĐẠO FOUNDATION (ĐỀN THÁNH TRẦN LITTLE SAIGON)
12221 BROOKHURST STREET, SUITE 200 - GARDEN GROVE - CA 92840
ĐIỆN THOẠI: (657) 296-7889 | EMAIL: denthanhtran2022@gmail.com| WEBSITE: https://denthanhtran.org và tranhungdaofoundation.org
CHÀO CỜ THỨ BẢY MỖI ĐẦU THÁNG LÚC 10AM TẠI TƯỢNG THÁNH TRẦN TRONG KHU HANOI PLAZA

Truyện Liễu Nghị

18 Tháng Tư 201712:26 SA(Xem: 1474)
(Tài Liệu Của Thư Viện Việt Nam Thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Văn Hóa Việt Nam, Nhân Ái Foundation)

Lời người dịch:

Đây là một truyện truyền kỳ do tác giả Lý Triều Uy đời Đường ghi lại, được văn học sử Trung Hoa xếp vào loại tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao và hàm chứa nhiều ý nghĩa.                       

Lý Triều Uy là ai? Sinh năm nào, mất năm nào? Cho đến nay, văn học sử Trung Hoa chưa biết. Chỉ biết ông người ở Lũng Tây và Liễu Nghị là tác phẩm duy nhất ông để lại cho văn học.

Về truyện này, các sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Đại Việt Sử Ký Tiền Biên, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục đều có nhắc nhở đến.

1- Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi:

“(Vua Kinh Dương vương) lấy con gái của Động Đình quân tên là Thần Long. Xét sách Đường Kỷ, thời Kinh Dương Vương, có người đàn bà chăn dê, tự xưng là con gái út của Động Đình quân, lấy con thứ của vua Kinh Xuyên, bị bỏ. Nàng viết thư nhờ Liễu Nghị đưa về Động Đình để tâu với Động Đình quân. Xem thế, Kinh Xuyên và Động Đình đời đời làm thông gia với nhau đã từ lâu rồi.”

2- Sách Đại Việt Sử Ký Tiền Biên có ghi lời của sử thần Ngô Thì Sĩ: “Những điều huyễn hoặc hoang đường đều là không chính đáng, nên bỏ đi. Cái lỗi (viết phần ngọai kỷ nguyên thủy hoang đường) ấy, chính do kẻ ưa bày đặt chuyện, bấu víu lấy các sự kiện trong Liễu Nghị truyện thư, coi là sử kiện. Trong truyện nói con gái vua Động Đình gả cho con thứ của Kinh Xuyên vương.”

3- Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, trong tấu nghị của Tổng Tài Phan Thanh Giản, Phó Tổng Tài Phạm Xuân Quế và mười ba vị Toản Tu, đề ngày 10 tháng 6 năm Tự Đức thứ chín (11 tháng Bảy năm 1856) có viết:

“Nay tra cứu đến sử cũ của nước ta chép về đời Hồng Bàng thị, có danh hiệu Kinh Dương vương, Lạc Long quân, nhưng lúc ấy là thời đại thượng cổ, hãy còn hổn độn, lờ mờ, tác giả chỉ dựa vào chỗ bâng quơ mà biên soạn ra, rồi e rằng không có gì là căn cứ để cho người ta tin, lại phụ họa theo truyện Liễu Nghị đời Đường của nhà làm tiểu thuyết để làm chứng cứ…

“Trong bọn chúng tôi duy có Đặng Quốc Lang trộm nghĩ rằng niên kỷ Hồng Bàng thị, từ Kinh Dương vương, Lạc Long quân, Hùng vương, dầu rằng thế đại cách nay đã quá xa, không có văn tự lưu truyền lại, những việc chép phần nhiều đều hoang đường quái dị, nhưng bấy giờ đã đặt kinh đô, đã dựng nước, trải qua năm tháng quá dài lâu, các vua ấy đều là các vua mở đầu của nước Việt ta. Năm Hồng Đức thứ mười, sử thần triều Lê là Ngô Sĩ Liên biên tập bộ Đại Việt Sử Ký. Lúc ấy, Lê Thánh Tông hoàng đế, là một vị vua yêu chuộng văn học, hạ chiếu cho tìm sách dã sử và truyền kỳ xưa nay lưu trữ ở các nhà tư để việc tham khảo được đầy đủ. Bộ sách ấy, Ngô Sĩ Liên dứt khoát chép từ thời Hồng Bàng, nhận định Kinh Dương vương là vua mở đầu quốc thống. Bấy giờ bầy tôi vào bậc nho học rất nhiều, mà không có một người nào chê là không hợp lẽ. Vả lại, bộ sách đã soạn xong hơn ba trăm năm nay, trải qua các đời Hồng Thuận và Cảnh Trị, hai lần kén chọn nho thần biên soạn, khảo cứu, đính chính. Trong khoảng các năm ấy không thiếu gì những bậc học rộng thấy xa, mà cũng không thay đổi gì khác cả. Thế thì bộ sử do Ngô Sĩ Liên soạn ra trước đây, tưởng cũng không phải soạn ra bằng cách hão huyền, không thực.” (Hoa Bằng dịch)                                                                         

Xem vậy, truyện Liễu Nghị đã được đặt thành vấn đề có liên quan đến sử ta. Để đóng góp chút tư liệu, chúng tôi dịch toàn truyện, từ Hán văn sang Việt Ngữ.


_____________________________

CHÚ THÍCH:

- Tấu Nghị: Tâu lên vua, có đưa ra ý kiến để luận bàn.

- Tổng Tài: Tổng là trông coi tất cả. Tài là định đoạt. Dưới triều Nguyễn, Tổng Tài là tên của chức quan đứng đầu quốc sử quán.

- Toản Tu: Toản là thu thập hay tập hợp lại. Tu là sửa sang cho chính đáng. Toản Tu là thu thập, tập hợp tài liệu lại, sửa sang cho chính đáng để viết thành sách. Dưới triều Nguyễn, Toản Tu là tên một chức quan ở Quốc Sử Quán, có nhiệm vụ tham dự vào việc viết sử.

- Hồng Thuận: Niên hiệu vua Lê Tương Dực (1509-1515).            

- Cảnh Trị: Niên hiệu vua Lê Huyền Tông (1663-1669).

Vua Lê Tương Dực sai Vũ Quýnh viết Đại Việt Thông Giám. Trong bộ sử này, từ họ Hồng Bàng đến Mười Hai Sứ Quân gọi là Ngoại Kỷ; từ vua Đinh Tiên Hoàng đến vua Lê Thái Tổ gọi là Bản Kỳ. Tổng cộng hai mươi sáu quyển.

Vua Lê Huyền Tông sai Phạm Công Trứ hiệu đính quốc sử: Từ họ Hồng Bàng đến sứ quân Ngô Xương Xí gọi là Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư; từ vua Đinh Tiên Hoàng đến vua Lê Thái Tổ gọi là Bản Kỳ Toàn Thư; từ vua Lê Thánh Tông đến vua Lê Cung Hoàng gọi là Bản Kỳ Thực Lục; từ vua Lê Trang Tông đến vua Lê Thần Tông gọi là Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Tục Biên. Tổng cộng hai mươi ba quyển.

_________________________


Liễu Nghị là một thư sinh. Năm Phụng Nghi (niên hiệu của Đường Cao Tông), đi thi không đỗ. Trên đường ghé về bến sông Tương, ghé ngang nhà trọ ở Kinh Dương để thăm hỏi người bạn đồng hương. Đường đi quạnh vắng, cát bụi gió bay, Nghị mấy lần phải nương lùm cây mà nghỉ. Đi được chừng mười dặm, thấy một thiếu nữ chăn dê bên đường, y xiêm tồi tàn, nhưng nhan sắc đẹp đẽ tuyệt trần. Vẻ nàng rầu rĩ, mắt biếc đăm đăm như đang trông ngóng đợi chờ ai. Nghị động lòng trắc ẩn, nghiêng đầu chào hỏi:

- Vẻ nàng đài các trâm anh, duyên đâu khổ đến nỗi này.

Cô gái mỉm cười, nói lời đa tạ. Bỗng lại ôm mặt khóc nức, nghẹn ngào thưa:

- Quân tử có lòng hỏi đến, tiện thiếp kính cẩn thưa trình. Phận hèn gặp cảnh chẳng may, phải chịu nhiều điều nhục nhã, bầm gan tím ruột, căm hận thấu xương. Nguyên thiếp là con gái út của Long quân ở Động Đình Hồ. Nghe lời cha mẹ, kết duyên cùng con thứ của vua Long Xuyên. Chồng thiếp lêu lổng chơi bời, đắm say bọn tì nữ, nhẹ nghĩa vợ chồng, bạc tình ghét thiếp. Thiếp có đem chuyện thưa cùng mẹ chồng. Bố mẹ chồng thiếp nuông con, giận thiếp, đày đọa đến nỗi này.

Nàng nói đến đây, tủi thân trào nước mắt. Nghị im lặng nghe.

Nàng nói tiếp:

- Trời đất mênh mang, quê thiếp Động Đình, chẳng biết phương nào! Xa xôi cách trở, quặn đau gan ruột từng cơn, không biết cách nào nhắn tin về nhà! Nếu có tiện đường ngang qua, dám phiền quân tử trao hộ phong thư, chẳng hay có được hay chăng?

Nghị cảm động, khẳng khái đáp:

- Tôi là kẻ đọc sách thánh hiền, có chút nghĩa khí. Nghe cảnh ngộ nàng, máu nóng bốc lên, giận mình không có đôi cánh mà bay ngay đến chỗ nàng muốn gởi thư. Chỉ hiềm Động Đình Hồ, nước sâu thăm thẳm, loài người là giống trên cạn, làm sao mang thư xuống được? Nàng có cách gì, xin chỉ dẫn.

Thiếu nữ vừa khóc vừa cảm tạ:

- Quân tử có lòng giúp đỡ, tiện thiếp cảm tạ vô cùng. Đường xuống Động Đình, cũng như trên cạn mà thôi. Phía Nam hồ có cây quất lớn. Quân tử chỉ cần gõ vào thân cây ba tiếng, sẽ có người hướng dẫn xuống hồ một cách dễ dàng.

Nói rồi, lấy trong tay áo ra một phong thư, lạy mà trao cho Nghị, mắt đăm đăm nhìn về phương Đông, lệ thảm sa mãi không thôi, Nghị xót xa cất thư vào túi áo, ái ngại hỏi nàng:

- Chẳng hay nàng chăn dê làm chi? Không lẽ thân nhân cũng ăn thịt dê sao?

Nàng đáp:

- Chẳng phài dê đâu! Đây là những Vũ Công đấy!

- Vũ Công là gì?

- Thưa, là thần sấm sét.

Nghị nhìn ngắm đàn dê, con nào cũng gườm gườm dữ tợn, mắt lộ hào quang, duy vóc dáng lông lá, không khác gì dê thường.

Chàng bảo nàng:

- Mai sau nàng trở về được Động Đình, xin đừng quên mà xa lánh kẻ làm sứ giả đưa thư này.

Nàng nói bâng khuâng, như nói một mình:

- Mãi mãi không quên, không lánh, lại là thân thích của nhau.

Nghị từ biệt, đi về hướng Đông. Đi được mấy chục bước, ngoái nhìn lại, không thấy thiếu phụ và đàn dê đâu nữa.

Nghị dừng lại Kinh Dương, ngủ với bạn một đêm. Hôm sau lên đường, hơn một tháng về đến nhà. Sau đó, tìm đường đến Động Đình Hồ. Phía Nam hồ, quả có một cây quất cổ thụ. Gõ vào thân cây ba tiếng, thấy một người đàn ông lực lưỡng, rẽ sông lên, vái Nghị mà hỏi:

- Dám mong được biết quý khách có điều gì sai khiến?

Nghị đáp:

- Bỉ nhân muốn được yết kiến đại vương.

Người ấy rẽ nước dẫn đường, lại nói:

- Xin quý khách nhắm mắt, một lát sẽ đến nơi muốn đến.

Nghị làm theo, một lát đã đến kinh thành tráng lệ với những lâu đài đẹp đẽ lạ lùng, nguy nga đài các, cổng cửa nhiều đếm không xiết, kỳ hoa dị thảo, hương sắc thanh tao. Người đàn ông dẫn Nghị vào một lâu đài, mời ngồi:

- Xin quý khách đợi ở đây.

Nghị hỏi:

- Chẳng hay, đây là đâu?

- Dạ, đây là điện Linh Hư.

Nghị ngồi, đưa mắt nhìn quanh. Trong điện, ngọc ngà châu báu, không thiếu thứ nào. Cột điện bằng bạch ngọc trong vắt, nền bằng bích ngọc, biêng biếc xanh, rèm mành bằng trân châu quý, cửa chạm lưu ly, tường gắn xà cừ, hổ phách. Đợi một hồi lâu, Nghị sốt ruột hỏi:

- Bao giờ bỉ nhân mới được yết kiến Động Đình quân?

Người đàn ông dẫn đường đáp:

- Nhà vua đang cùng Thái Nhân đạo sĩ bàn luận Hỏa Kinh ở gác Huyền Châu, chừng một lát sẽ xong.

Nghị hỏi:

- Dám mong được biết Hỏa Kinh là gì?

Người ấy đáp:

- Vua chúng tôi là Rồng. Rồng lấy nước làm thần. Với một giọt nước, Rồng có thể làm ngập sông hồ, đồi núi. Đạo sĩ là người. Người lấy lửa làm thánh. Một ngọn đèn nhỏ có thể đốt cháy cung A Phòng (cung điện vĩ đại của Tần thủy hoàng, sau bị Sở Bá vương Hạng Võ đốt ra tro). Nước, lửa linh ứng diệu huyền, không giống nhau. Thái Dương đạo sĩ tinh tường đạo người, vua chúng tôi thỉnh ngài đến để nghe đạo.

Cửa điện bỗng mở, mây ngũ sắc rực rỡ bay vào, theo mây một người áo tía đai xanh, uy nghi đúng bực đế vương. Người đàn ông bảo Nghị:

- Đức vua đã đến.

Nghị thi lễ. Long quân hỏi:

- Quý khách ở cõi nhân gian phải không?

- Dạ phải.

Long quân hỏi:

- Ngài không quản ngàn dặm xa xôi, xuống thủy phủ thâm u, hẳn có điều gì dạy bảo quả nhân.

Nghị đáp:

- Kẻ hàn sĩ này vốn cùng quê với đại vương, lớn lên ở đất Sở, du học ở đất Tần. Kém tài thi trượt, dạo chơi trên bờ Kinh Thủy, tình cờ thấy con gái út của đại vương chăn dê ngoài đồng, dãi dầu mưa gió, cảnh rất thê lương. Chẳng đành lòng mà đứng nhìn, tôi bèn hỏi nguyên do. Công chúa cho hay nàng bị chồng bạc tình ruồng rẫy, cha mẹ chồng khắc nghiệt đày đọa, nên mới ra nông nỗi ấy. Công chúa khóc mà nhờ tôi mang thư đến đại vương.

Nói rồi, lấy thư ra, lạy mà dâng lên. Long quân giữ lễ, vái mà nhận thư. Đọc xong, gạt nước mắt nói:

- Cha già có lỗi, xét người không kỹ, có tai như điếc, có mắt như mù, khiến cho con trẻ lâm vào cảnh khuê phòng bi đát ở phương xa. May nhờ ngài đây, tuy là người xa lạ, có lòng hiệp nghĩa, giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha, ra tay giúp đỡ. Ơn sâu nghĩa nặng, quả nhân xin ghi khắc trong lòng.

Long quân rầu rầu, sa lệ thở than, trăm quan không ai cầm được nước mắt. Long quân sai thái giám đem thư của công chúa út vào trong cung. Lát sau, trong cung ai nấy điều khóc, tiếng vang ai oán. Long quân lại truyền một thái giám:

- Mau vào cung bảo mọi người đừng khóc thành tiếng, kẻo Tiền Đường biết chuyện, thì thêm rắc rối.

Nghị hỏi:

- Muôn tâu, Tiền Đường là ai?

Long quân đáp:

- Em ruột quả nhân, trước kia làm thần sông Tiền Đường, nay đã nghỉ việc rồi.

Nghị lại hỏi:

- Dám mong được biết, tại sao phải dấu ông ta chuyện này?

Long Quân đáp:

- Em trai quả nhân, tính nóng như lửa, sức mạnh phi thường. Xưa, đời vua Nghiêu bị lụt chín năm, cũng vì em trẫm nổi giận gây nên. Gần đây, giận nhau với một thiên tướng, đã san bằng năm quả núi. Thượng đế thương trẫm có công nên giảm tội cho em trẫm mà giao cho trẫm quản thúc ở đây. Do đó, người ở Tiền Đường, hàng ngày đều đến chầu.

Long quân chưa nói dứt lời, đột nhiên có tiếng thét long trời lở đất. Lâu đài cung điện rung chuyển, chao qua đảo lại như võng đưa. Rồi gió cuốn mây tuôn ngập trời. Nghị nhìn thấy một con Rồng khổng lồ, dài đến ngàn trượng, uốn mình trong mây. Mắt rồng sáng như chớp, lưỡi đỏ như máu tươi, vây vẩy rực như lửa hồng, cổ có vòng vàng cẩn ngọc. Quanh thân rồng, sấm sét vang rền, bão tuyết bủa xuống giá băng. Rồng quẫy mình bay thẳng lên chín từng mây. Nghị kinh hồn, ngã nhào xuống đất. Long quân tay nâng, miệng nói:

- Xin đại nhân chớ sợ.

Nghị hồn bất phụ thể, bất tỉnh hồi lâu, tỉnh dậy nói qua hơi thở:

- Nghị xin cáo biệt, trở lại nhân gian. Nếu còn ở đây, khi rồng kia về, chắc hẳn thân hèn này chết mất.

Long quân nói:

- Đại nhân chớ ngại. Em trai tôi lúc đi thì hung tợn, lúc về lại ôn nhu. Xin ngài lượng tình lưu lại để quả nhân được tỏ lòng ái mộ.

Rồi sai bày yến tiệc linh đình khoảng đãi quý khách. Rượu được vài tuần, nhã nhạc nổi lên, tinh kỳ rực rỡ, một người áo xiêm tơ lụa, trang sức trân châu, vóc dáng thanh tân kiều diễm, bước đến trước Nghị, cung kính nghiêng chào. Chàng nhận ra người đẹp chính là thiếu nữ chăn dê, trang nghiêm đứng lên đáp lễ. Mặt ngọc nửa buồn nửa vui, khóe thu ba dường như còn ngấn lệ, khép nép đứng bên ghế Long quân. Long quân nói với Nghị:

- May nhờ đại nhân cứu giúp, con gái quả nhân bị đày đọa ở Kinh Dương, nay đã trở về.

Cô gái cúi chào thêm lần nữa rồi lui vào trong cung. Long quân theo con cùng vào. Nghị nghe trong cung vọng ra tiếng oán than thương xót. Chừng có lẽ người thân đang cảm xúc về nỗi đoạn trường đã qua của công chúa út. Lát sau, Long quân trở ra, cùng Nghị nói cười ăn uống.

Tiệc chưa tàn, một người đàn ông, tuổi độ trung niên, phong cách thần tiên, mình mặc áo tía, tay cầm hột ngọc bích, bước ra cung kính đứng sau lưng Long quân. Long quân bảo Nghị:

- Đây là Tiền Đường, em trai quả nhân.

Tiền Đường chấp tay cúi chào. Nghị đứng dậy thi lễ, rồi cùng ngồi mà nâng chén.

Tiền Đường hướng Nghị mà nói:

- Cháu tôi bị nhục ở Kinh Lăng. Phúc nhà chưa hết, gặp được đại nhân có lòng hiệp nghĩa, đoái thương cứu giúp, nay đã bình yên đoàn tụ với gia đình. Vui cảnh đầm ấm, cảm tạ đại nhân, lời nói không đủ diễn hết cõi lòng, Tiền Đường, xin được cúi mời đại nhân một chén rượu nhạt.

Nghị khiêm tốn đáp lời đón rượu, thong dong uống cạn một hơi. Tiền Đường ngắm nhìn, nói với Long quân:

- Phong thái nhà nho, cao đẹp đáng kính.

Long quân hỏi em:

- Sáng nay chú đi, công việc ra sao?

Tiền Đường đáp:

- Em rời điện Linh Hư vào giờ Thìn, giờ Tỵ đến Kinh Dương. Giờ Ngọ giao tranh ở đấy. Xong xuôi, em lên thiên cung, tấu trình tự sự cùng Thượng Đế. Thượng Đế thấu nỗi oan, khiển trách qua loa rồi tha cho hết tội.

Lại hướng về Nghị mà nói:

- Tính tôi nóng nảy, sáng nay hấp tấp lên đường, không kịp nói chào, lại làm kinh động cung điện, khiến đại nhân phật lòng. Tiền Đường tôi rất lấy làm hổ thẹn.

Nghị thẳng thắn đáp:

- Ngài gặp việc gấp, xin chớ quan tâm tiểu tiết.

Long quân hỏi em:

- Trận này, em giết hại bao nhiêu?

Tiền Đường đáp:

- Dạ, sáu mươi vạn.

- Có làm hại mùa màng không?

- Dạ có! Khoảng tám trăm dặm.

- Kẻ bạc tình đâu?

- Em đã ăn tươi rồi.

Long quân trầm buồn:

- Kẻ bạc tình vong nghĩa, không tha thứ là đúng. Nhưng em hấp tấp nóng nảy, cũng là không phải. Từ nay trở đi, phải hành xử thận trọng hơn.

Tiền Đường cung kính vâng lời. Tiệc rượu tàn.

Đêm ấy, Nghị ngủ ở điện Ngưng Quang. Hôm sau, Long quân mời tất cả thân bằng quyến thuộc, mở đại yến ở cung Ngưng Bích mà đãi Nghị. Rượu quý thì trân, thức thức đều thơm và tinh khiết. Lại có giàn nhạc lớn với những nhạc cụ lạ lùng. Vào tiệc, kèn nổi, tù và rúc, chiêng và trống uy nghi, tinh kỳ phất phới. Có một vạn võ sĩ vung thương kích, múa gươm đao. Tất cả đều lạ đối với Nghi. Một võ sĩ từ trong tiến ra, nói lớn:

- Đây là điệu nhạc Tiền Đường phá trận.

Cờ tung gió rít, lạnh đến rợn người. Quan khách ngồi xem, tưởng chừng dựng tóc sởn da.

Điệu nhạc Tiền Đường phá trận vừa dứt, lại có tiếng trúc tơ vàng đá, lụa là chúa ngọc thướt tha, hơn ngàn mỹ nhân uyển chuyển bước ra. Một nàng tuyệt đẹp giới thiệu cùng quý khách:

- Đây là điệu nhạc Chủ Quý về cung.

Tiếng nhạc du dương, như kể lể, như oán than cho bước đọa đày của công chúa út. Khách ngồi nghe, người cúi mặt, kẻ gục đầu, không ai là không sa lệ.

Hai điệu múa dứt, Long quân truyền đem rượu ngon thưởng cho võ sĩ, lụa là thưởng cho mỹ nhân. Quan khách ngồi sát lại nhau mà ăn uống, chuyện trò rất là thân mật. Rượu ngắm hừng hừng, Long quân gõ bàn, ca lên một khúc, bày tỏ chí khí đế vương, lòng nhân ái, nghĩa quân thần, tình cốt nhục. Tiền Đường cũng ca một bài, hàm ý anh hùng, coi nhẹ sống chết. Lại khen tình vợ chồng hòa hợp thủy chung, chê trách kẻ bạc tình vong nghĩa. Liễu Nghị gõ chén, sảng khoát ca lên một khúc, bày tỏ phong thái kẻ sĩ nho gia, đang độ trẻ trung, giữa vòng trời đất mênh mông, thênh thang thả bước.

Ba người ca dứt, mọi người tán thưởng, hô lớn “muôn năm”. Động Đình quân tự tay bưng ra một hộp bằng bạch ngọc, trong đựng sừng tê rẽ nước mà tặng Nghị. Tiền Đường bưng một cái mâm bằng hồng ngọc, giữa mâm đặt viên ngọc soi đêm mà tặng Nghị. Nghị cảm ơn, nhận hai vật quý. Sau đó, những người trong cung, đem lụa là châu báu chất quanh chàng, một thoáng thành nhiều đống ngổn ngang rực rỡ. Nghị vui vẻ nói cười, thi lễ đón nhận tặng phẩm liên tiếp. Tan tiệc, Nghị chào chung mọi người, về nghỉ ở điện Ngưng Quang.

Hôm sau, Long quân thiết yến đãi Nghị ở lầu Thanh Quang. Tiền Đường rượu đã ngà ngà, hầm hầm bảo Nghị:

- Hẳn ngài cũng đã từng nghe “đá cứng có thể đập tan chứ không thể uốn cong, nghĩa sĩ có thể giết chết chứ không thể làm nhục.” Tôi có tâm sự, muốn ngỏ cùng ngài. Ngài thuận thì chúng ta thành đôi bạn tri âm, ngài không thuận thì tấm thân nghĩa sĩ của ngài sẽ nát như bùn như đất. Ngài nghĩ như thế nào?

Nghị thản nhiên:

- Xin được nghe lời tâm sự ấy.

Tiền Đường nói:

- Con gái yêu của Động Đình quân là vợ Kinh Dương, nhan sắc như tiên nga, tư chất thông minh, nết na hiền thục. Cả họ nhà tôi ai cũng quý yêu. Kinh Dương là đứa vô lại, làm nhục cháu gái tôi, tôi đã giết nó mà ăn thịt. Họ nhà tôi mong tìm bậc nghĩa sĩ cho cháu gái gửi thân, hai họ đời đời kết tình thông gia. Sao cho kẻ mang ơn biết chỗ trả ơn, kẻ thương người có nơi thương xót. Đấy cũng là đạo thủy chung của người quân tử. Ngài nghĩ có đúng không?

Nghị cười nhẹ, nghiêm chỉnh nói:

- Tôi không ngờ Tiền Đường Quân hèn hạ đến như thế! Nghe nói trước đây, để trút căm giận, ngài đã dâng nước, làm lụt chín châu, san bằng năm núi. Lại đã tận mắt thấy ngài quẫy mình phá ngục, đi cứu cháu ruột. Nghị này tưởng lầm ngài là bậc sáng suốt cương cường, đáng gọi là trượng phu, vì phạm hình luật, không né tránh cái chết, vì việc nghĩa, không tiếc mạng sống. Ngờ đâu, nhân khi rượu nhạc chung vui, chủ khách hòa thuận, ngài lại đổi mặt thay lòng, đe doạ ân nhân. Tôi thật không dè ngài lại hạng xoàng như vậy. Nếu như tôi gặp ngài ở nơi sóng gió ba đào hay gặp ngài ở chốn rừng sâu núi thẳm, ngài dương vây móng, hút nước phun mưa, làm cho Nghị phải chết thì Nghị cũng coi như bị chết vì loài vật, chẳng có gì đáng nói. Đằng này, ngài đang mũ áo cân đai, bàn chuyện lễ nghĩa luân thường, lời lẽ thông suốt, cử chỉ trang nghiêm, kẻ tuấn kiệt ít ai bì kịp chớ đừng nói chi đến loài vật, dù là loài linh vật ở chốn sông hồ cũng chỉ là loài vật thôi. Bỗng dưng, rượu vào lời ra, trở thành ngu xuẩn, mê muội tối tăm, khùng điên đe dọa người khác, hèn hạ quá đỗi. Nghị này, tuy sức trói gà không chặt, nhưng đem ý chí bất khuất để chiến thắng ngài. Ngài hãy tự liệu.

Tiền Đường nghe Nghị mắng, hối hận mà đáp:

- Vừa rồi, ta vì quá chén, nói năng thô lỗ, cử chỉ ngông cuồng, xúc phạm đến bậc cao minh, thật là hổ thẹn. Xin ngài rộng lòng tha thứ.

Hai người hòa nhã với nhau, yến tiệc đàn ca càng thêm vui vẻ. Từ đấy, Nghị và Tiền Đường thành đôi bạn tri âm.

Hôm sau, Nghị từ biệt ra về. Hoàng hậu xứ Động Đình mở tiệc tiễn chân ở điện Tiền Cảnh. Toàn thể gia tộc Long quân đều đến dự.

Trong tiệc, hoàng hậu sa nước mắt mà bảo Nghị:

- Tiện nữ mang ơn quân tử, hận rằng chưa được báo đền, đã phải chi ly.

Rồi dắt công chúa út đến vái Nghị để tỏ lòng biết ơn. Nhân đấy, lại hỏi:

- Hôm nay chia tay, biết rằng sau này còn được gặp lại hay không?

Nghị rầu rầu không đáp, lòng dạ bâng khuâng, rối như tơ vò. Ngày hôm qua, vì tự trọng mà bác đi lời đề nghị hôn nhân của Tiền Đường quân. Bây giờ hối tiếc không nguôi.

Tiệc hầu tàn, ai nấy đều có sắc buồn. Mọi người trong tiệc đem vàng bạc, trân châu cực phẩm mà tặng Nghị. Rồi Nghị theo đường cũ lên cạn. Có mười dõng phu gánh quà tặng đến tận nhà mới cáo biệt. Sau, Nghị chỉ bán một phần trăm số quà tặng ấy ở chợ Quảng Lăng, đã trở thành người giầu nhất vùng Hoài Hữu. Cuộc sống giầu sang, hôn nhân trắc trở. Lần đầu cưới vợ họ Trương, chưa có con, nàng tạ thế. Lần thứ nhì, lấy vợ họ Hàn. Được vài tháng, nàng qua đời. Nghị rời nhà đến Kim Lăng, cám cảnh cửa nhà trống vắng, trẻ tuổi hóa vợ, chàng cũng có ý tìm vợ mới cho bớt lạnh lùng gối chăn. Có một bà mai, nổi tiếng mát tay, chưa từng mai mối đám nào không thành, đến bảo với Nghị:

- Họ Lư ở đất Phạm Dương có cô con gái, công dung ngôn hạnh ít ai sánh cùng. Đang độ trẻ trung, góa chồng không con. Quả mai ba bảy cũng vừa, còn treo giá ngọc, mong gặp quân tử, sửa túi nâng khăn. Gia thế nàng cũng vào bậc khá. Cha là quan nhân Lư Hạo, có phẩm tước ở đất Thanh Lưu. Khi đứng tuổi, ưa học đạo thần tiên, từ quan, một mình ngao du ở chỗ suối mây, không trở lại. Bà mẹ họ Trịnh, đoan chính trang nghiêm, dạy con nền nếp. Chẳng hay ý ông thế nào?

Nghị tự nghĩ mình đã hai lần vợ chết, nên không kén cá chọn canh, chỉ mong có người hiền thục hòa hợp sắc cầm là mãn nguyện. Bèn nhờ bà mai, chọn ngày đưa lễ, phối ngẫu nên duyên. Hai họ trai gái, đều là bậc phú quý quan sang, nghi thức cưới xin, lễ vật quý giá, long trọng linh đình. Các bậc tài tử ở đất Kim Lăng đều ngưỡng mộ đám cưới ấy.

Vợ chồng ăn ở với nhau rất ư hòa thuận. Nàng thì đằm thắm nết na, chàng thì nho phong khí phách, thật là châu trần nào có châu trần nào hơn? Một tối, nhà nho đăm đăm ngắm vợ, lạ lùng càng ngắm càng giống công chúa út của Động Đình quân. Khuôn trăng nét liễu lại có phần phúc hậu diễm kiều hơn. Thấy chồng nhìn mình chăm chú, Lư thị có ý thẹn, mỉm cười cúi đầu. Nghị hiểu ý, bèn đem chuyện cô gái chăn dê ra kể cho vợ nghe. Nghe xong câu chuyện, nàng hỏi bâng khuâng:

- Trong cõi người ta cũng có chuyện lạ như vậy sao, chàng?

Nghị mỉm cười gật đầu. Hơn một năm sau, nàng hạ sinh được một bé trai, kháu khỉnh, sáng láng, giống y như Nghị. Khi bé trai đầy tháng, hai vợ chồng mở tiệc mời thân bằng quyến thuộc. Tiệc tàn, Lư thị bảo chồng:

- Chàng không nhận ra em ngày xưa ư?

Nghị trầm ngâm đáp:

- Xưa đưa thư cho Động Đình quân, nay vẫn nhớ như chuyện mới hôm qua.

Nàng nhỏ nhẹ:

- Em là con gái út của vua Động Đình, bị Kinh Dương đày đọa, nhờ chàng đưa thư. Mang ơn sâu nặng, em đã tự nguyện với lòng phải báo đền. Rồi chú Tiền Đường em vụng về mai mối không thành, hai ta ly biệt mỗi người một phương, tuyệt không âm tín. Song thân muốn gả em cho con trai ông Trạc Cẩm. Phận em là gái, lời nguyện với lòng không thể đổi mà ý cha mẹ không thể trái. Nông nỗi éo le, em định tìm đến gặp chàng, thẳng thắn giải bày để tùy ý quân tử định liệu cho. Cảnh chàng khi ấy, lấy vợ đã hai lần. Trước là chị họ Trương, sau chị họ Hàn. Hai chị nối nhau qua đời. Chàng dọn đến ở nhà này. Nhân duyên trời định, song thân mừng cho em có cơ hội báo đáp ơn chàng. Ngày nay được vì chàng nâng khăn sửa túi, lại có con trai, em thật là mãn nguyện, dẫu có phải chết, em cũng không còn ân hận gì nữa.

Nghị ôn tồn thẳng thắn đáp:

- Có lẽ mỗi người ở đời đều được tạo hóa an bài số phận. Buổi đầu gặp nàng ở chốn Kinh Dương, đọa đày tiều tụy, lòng ta thực chỉ bất bình. Ta mong muốn giúp nàng thoát cảnh điêu linh, ngoài ra không có ý gì khác cả. Còn như câu nói “xin đừng quên nhau” chỉ là tình cờ, không có hậu ý. Kịp khi Tiền Đường quân đe dọa ép uổng, làm ta bốc giận, dùng lý mà bác ý ông ta. Nàng thử nghĩ xem, đã vì nghĩa khí giúp người, lý nào lại có hành vi giết chồng lấy vợ? Đó là điều kẻ sĩ đọc sách không thể làm. Sĩ khí cũng không cho phép ta khuất phục trước đe dọa của quyền uy, dù cho có thể bị gánh chịu tai họa. Nhưng nàng biết không, trong tiệc chia ly, ta thật cảm nàng quá đỗi. Lòng ta hối tiếc vô cùng, tiếc rằng sao ta lại bốc giận mà bác đi đề nghị kết duyên với nàng của Tiền Đường quân. Ôi! Chuyện cũ đã qua. Bây giờ hai ta đã được toại nguyện, nên vợ nên chồng, chung sống bên nhau, âu yếm mãi mãi, không phải bâng khuâng gì nữa.

Nghe lời chân thành tha thiết, nàng xúc động thổn thức hồi lâu, rồi bảo chồng:

- Em tuy khác loài, nhưng không vô tình. Em có cách đền ơn tri ngộ, nghĩa phu thê. Loài rồng thọ đến vạn năm. Chàng sẽ cùng em hưởng thọ tuổi rồng. Từ nay, trên cạn dưới nước, hai ta thoải mái thong dong.

Nghị âu yếm hỏi:

- Ta có ngờ đâu một trang quốc sắc như nàng, lại là một bậc thần tiên.

Hôm sau, hai vợ chồng bồng con về thăm thủy phủ Động Đình. Long quân cùng hoàng hậu đón con rể, con gái và cháu ngoại bằng những tiệc vui linh đình, chưa từng có ở nhân gian. Ít lâu sau, Nghị đem vợ con về sống ở Nam Hải gần bốn mươi năm. Cuộc sống phú quý, dẫu đế vương cũng chẳng hơn được. Những người thân thích trong tông tộc Nghị đều được giúp đỡ, sống đời phong phú như bậc vương hầu. Người dân khắp vùng Nam Hải, ai ai cũng lấy làm lạ lùng kính nể.

Đến năm Khai Nguyên nhà Đường, thiên đình quan tâm đến việc thần tiên sinh hoạt ngoài vòng cương tỏa, lùng bắt gắt gao. Vợ chồng Nghị sống không được thong dong, thoải mái, bèn đem nhau về Động Đình, sống hơn mười năm, không để lại dấu vết nào ở cõi nhân gian. Niên hiệu Khai Nguyên năm cuối (tức cuối thời Đường Huyền Tông), Liễu Hỗ là em họ Nghị, làm quan Kinh Kỳ Lệnh bị biếm. Trên đường đến phương Đông Nam lãnh chức vị mới, qua Động Đình Hồ. Đang giữa ban ngày, thấy ở xa xa một ngọn núi xanh nổi bồng bềnh trên sông nước. Những người trong thuyền lấy làm sợ, nói:

- Chỗ này chưa từng có núi, e là thủy quái.

Phút chốc, núi đến gần bên thuyền của Hỗ. Một chiếc thuyền hoa từ núi chèo ra, trên thuyền có người lên tiếng gọi:

- Mời Liễu công sang thưa chuyện.

Hỗ nghe gọi, tâm thần sảng khoái, ra lệnh chèo thuyền đến sát chân núi, thoăn thoắt bước lên. Trèo núi một chập, khoẻ khoắn tỉnh táo, nhìn thấy lâu đài cung điện, nguy nga như hoàng cung ở chốn nhân gian. Hỗ thản nhiên bước vào như vào nơi quen thuộc của người thân thích.

Trong cung trang trí thanh lịch, uy nghi. Có đàn có sáo, thức thức đều bằng châu ngọc hiếm có trên đời. Nghị từ trong bước ra, vẫn trẻ trung như thời trai tráng, thân mật cầm tay Hỗ, đăm đăm nhìn mái tóc người em đồng tông, ân cần bảo:

- Thắm thoát từ độ chia tay, tóc em giờ đã bạc phơ.

Hỗ cười, hồn nhiên đáp:

- Trời sinh mỗi người có một số mệnh. Anh là thần tiên, em là một nắm xương khô.

Nghị đưa cho em, năm mươi hoàn thuốc, dặn dò:

- Uống mỗi viên này, thêm một tuổi thọ. Em cầm về, chia uống đến cuối năm, rồi trở lại đây gặp anh. Chẳng nên vướng lụy mãi trong cõi bụi trần.

Lại bày tiệc thiết đãi Hỗ. Tiệc tàn, anh em chia tay. Từ đấy không ai còn thấy được Nghị nữa.

Hỗ trở về cõi người ta, đem chuyện kể với người đời. Gần bốn mười năm sau, Hỗ bỏ đi đâu mất, không ai biết tông tích.

* * *

Lý Triều Uy, khi viết lại xong chuyện trên, có ghi chú:

Chuyện này đã chứng nghiệm cho tôi rằng có linh vật đứng đầu ngũ trùng (1). Loài người là khỏa trùng, giữ tín (2) với lân trùng. Vua Động Đình hào phóng, lời nói ôn nhu ngay thẳng. Vua Tiền Đường lỗi lạc khác thường. Hỗ ngợi khen nhưng không ghi chép lại. Tôi thấy câu chuyện có ý nghĩa nên ghi lại.

CHÚ THÍCH:

- Huyện Phạm Dương: đất thuộc nước Triệu cũ.

- Sông Tiền Đường: chảy ngang Chiết Giang, đất Bách Việt.

(1) Ngũ trùng: xưa, người Trung Hoa gọi ngũ trùng là năm loài:

1- Vũ trùng, loài có lông vũ, như loài chim.

2- Mao trùng: loài có lông mao, như lông thú.

3- Giáp trùng: loài có mai, như mai rùa.

4- Khỏa trùng: tức loài người.

5- Lân trùng: loài có vảy.

(2) Giữ tín: trong văn học cổ Trung Hoa thường dùng chữ tín để biểu tượng cho tương quan bằng hữu. Sách “Minh Đạo Gia Huấn” của Trình Tử có viết câu “Bằng Hữu chỉ tín”

Lời bàn của người dịch:

Sử gia Ngô Sĩ Liên khi viết về Kinh Dương Vương, vị vua mở đầu quốc thống, có nhắc đến truyện Liễu Nghị và mối liên hệ huyết tộc họ ngoại của giống nòi Bách Việt và Động Đình Hồ. Qua đoạn viết, ông chỉ nhằm nói lên rằng: từ thời Kinh Dương vương, thời ngoại kỷ xa xưa (năm Nhâm Tuất, tức năm 2879 trước Tây lịch) đến đời nhà Đường bên Tàu, người đất Kinh Xuyên thường giữ mối thông gia với Động Đình.

Sử gia Ngô Sĩ Liên khẳng định Kinh Dương vương là vua đầu tiên của nước ta và hiển nhiên không viết một lời nghịch lý nào, đồng nhất Kinh Dương vương với Liễu Nghị, một người học trò thi trượt đời nhà Đường, một triều đại khởi thủy năm 618, tức 3497 năm sau Kinh Dương vương đăng quang.

Sử thần Ngô Thời Sĩ, với tinh thần lý học Tống Nho, bài bác cổ sử là hoang đường nên gạt bỏ, vội vàng chỉ trích sử gia Ngô Sĩ Liên đã đồng nhất cổ sử với truyện truyền kỳ Liễu Nghị. Qua lời viết của sử thần Ngô Thời Sĩ, cho thấy ông chưa đọc truyện truyền kỳ này của Lý Triều Uy.

Mười lăm vị trong Quốc Sử Quán triều vua Tự Đức, duy có Hồng Lô Tự Khanh Đặng Quốc Lang là người nghiên cứu uyên bác, khách quan điềm đạm, thâm trầm sâu sắc nhận định lịch sử trong quá khứ. Mười bốn vị còn lại, dẫn đầu bởi Phan Thanh Giản (đại khoa anh hùng, khi viết sử, một mình đảm đang các chức vụ: Tổng tài, Hiệp Biện Đại Học Sĩ, lĩnh Lễ Bộ Thượng Thư, kiêm quản Hộ Bộ Ấn triện, sung Kinh Diên Giảng Quan, sung Cơ Mật Viện đại thần, kiêm Quốc Tử Giám Sự Vụ, kiêm Quản Văn Thần Phò Mã Đô Úy) đồng ý tấu nghị lên vua bỏ phần ngoại kỷ, lại trách Ngô Sĩ Liên viết phần này “không có gì làm căn cứ đáng tin, lại phụ họa theo truyện Liễu Nghị đời Đường của nhà làm tiểu thuyết để làm chứng cứ.”

Có chăng đời trước, sách vở ấn bản ít oi, phát hành hạn hẹp nên nhiều nhà phê bình sử gia Ngô Sĩ Liên, đã chưa đọc truyện Liễu Nghị. Cũng có thể mười bốn vị sử quan triều vua Tự Đức, quá tin tưởng vào lời viết của sử thần Ngô Thời Sĩ, ngôi sao bắc đẩu của Ngô Gia Văn Phái nên đã vấp phải hà tì khi soạn sử.

Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, ghi chép những giai đoạn lịch sử với giá trị đáng giữ gìn một cách trân quý. Nhưng, người đọc cũng nên lưu tâm một điều thiết yếu quan trọng: cuốn sử này được viết với tinh thần Tống Nho. Trong dụ chỉ ngày 15 tháng 12 năm Tự Đức thứ tám (22-1-1856), nhà vua đã ra lệnh cho các sử quan: “Việc nào nên chép vào sách hay nên bỏ đi, việc nào nên khen hay nên chê, đều theo đúng như phương pháp chép sử Cương Mục của Tử Dương (tức Chu Hi), chép thành bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục.” Trong bốn mươi chín điều Phàm Lệ dâng vua, các sử quan minh xác bộ Khâm Định này được chép theo đúng thể lệ Cương Mục của Chu Hi: hai mươi mốt lần nhắc lại câu “Theo thể lệ của Chu Tử”!


Sơ Lược Tình Trạng Dân Nước Ta Dưới Ách Đô Hộ Của Nhà Đường

Triều đại nhà Đường, lâu đài thi ca lộng lẫy nguy nga trong văn học sử Trung quốc. Nhưng triều đại ấy đặt ách đô hộ vô cùng khắc nghiệt lên cuộc sống người dân Việt. Ngoài luật pháp hung tàn, hành xử bạo ngược, sưu cao thuế nặng, nhà Đường còn áp dụng chính sách thực dân văn hóa rất là thâm độc. Xưa nay, trong lịch sử nhân loại chưa có dân tộc nào bị đồng hóa hay diệt chủng vì bụng đói cơm nhưng đã có những dân tộc bị đồng hóa hay diệt chủng vì đầu đói chữ. Nhà Đường, ngoài việc vơ vét tài nguyên, đày ài dân ta đói rét cơ cực, lại áp dụng chánh sách ngu dân, cố sức hủy hoại và xuyên tạc văn hóa gốc nguồn, bít bưng văn học tư tưởng, hạn chế truyền bá văn tự. Cứ xem đời Đường, một triều đại của thi ca mà không có người bản xứ lưu lại một bài thơ Đường. Sách sử, văn học một quyển để lại cũng không. Duy có đứng lên đòi lại quyền làm người là liên tục không ngừng. Đời sau, nhà viết sử Việt về giai đoạn này, ngoài những sử kiện và sử liệu được âm thầm cất dấu trong dân gian, chỉ còn biết dùng Đường Thư (sách sử đời Đường), An Nam Kỷ Yếu (sách ghi chép những điều quan trọng xảy ra ở xứ An Nam) của nhà Đường và sách Cương Mục của Chu Hi đời Tống. Kẻ đô hộ viết chính sách cai trị của chính họ, dĩ nhiên là thiên lệch chủ quan, phô trương điều tốt chưa chắc có thật, dấu bớt những điều xấu xa ác độc, nhưng không thể bỏ đi được hết.

Theo Đường Thư:

- Năm Đinh Hợi (687) niên hiệu Tự Khánh thứ tư đời Đường Trung Tông, sưu thuế quá nặng, mọi người oán hận, theo Lý Tự Tiên đứng lên: quan đô hộ nhà Đường là Lưu Diên Hựu giết được Tự Tiên. Lòng căm phẫn càng mạnh, được Đinh Kiến lãnh đạo, phá thành vây phủ, giết chết Diên Hựu.

- Tháng Bảy mùa Thu, khoảng năm Khai Nguyên (713-741) Mai Thúc Loan dấy binh xưng đế, tụ tập quân ba mươi hai chúa, quân số lên đến 40 vạn.

- Năm Đinh Mùi (767), Đường Đại Tông, niên hiệu Đại Lịch thứ hai, Đào Tề Tường dấy binh.

- Tháng Tư mùa Hạ, năm Tân Hợi (791), Đường Đức Tông, niên hiệu Trinh Nguyên thứ bảy, Phùng Hưng, người Đường Lâm, thuộc Châu Phong dấy binh xưng vua, đánh chiếm phủ huyện, giết quan đô hộ Chính Bình. Phùng Hưng băng, người bản xứ lập con là An lên làm vua và tôn Phùng Hưng làm Bố Cái Đại Vương.

Theo sách Cương Mục (của Chu Hi):

Quan đô hộ nhà Đường là Lý Tượng Cổ tham tàn, dân oán hận, hợp nhau theo Lương Thanh vùng dậy năm Kỷ Hợi (819), giết Lý Tượng Cổ.

Theo sách Đường Thư:

- Dương Thanh người man (bản xứ) uất ức muốn khởi loạn, nhân đi đánh giặc Hoàng Động, được Lý Tượng Cổ giúp cho binh lính. Dương Thanh liền đem quân quay ngược lại đánh úp Châu Thành, giết Lý Tượng Cổ. Vua Đường hạ chiếu tha tội Dương Thanh, phong làm Thứ Sử Quỳnh Châu. Thanh vẫn chống cự lại thiên triều. Sau quan đô hộ mua chuộc thủ hạ của Thanh và giết được Thanh.

- Tháng Năm mùa Hạ năm Đinh Sửu (857), người nam do Đỗ Tồn Thành làm thủ lĩnh, chống đối kinh lược sứ của thiên triều là Lý Trác. Trác giết được Tồn Thành, người man nổi loạn. Trác dẹp yên (theo Đường Thư, Trác vốn tham ô khắc nghiệt, tự tư tự lợi, ép dân quá mức, đem một đấu muối đổi lấy một trâu cày của dân, nên dân căm hận oán hờn)

Theo An Nam Kỷ Yếu:

Tháng Bảy mùa Thu năm Đinh Sửu (857) dân Giao Châu nổi loạn, vây phủ thành, bị Vương Thức tàn sát mới yên.


Truyện Liễu Nghị, Hành Vi Thực Dân Văn Hóa Của Nhà Đường

Nhân thân tác giả mù mờ. Văn học sử Trung Hoa chỉ ghi rằng: ông người đời Đường, quê ở Lũng Tây, truyện Liễu Nghị là tác phẩm duy nhất của ông còn để lại. Truyện này được các nhà văn học sử Trung quốc coi là truyền kỳ có giá trị nghệ thuật thẩm mỹ cao và hàm chứa nhiều ý nghĩa.

Xét rằng nhà Đường vốn trọng thơ văn, không lẽ trân quý tác phẩm mà lơ là không quan tâm đến tác giả? Một tác giả văn chương giá trị, ý tưởng sâu sắc phong phú, không lẽ cả đời chỉ sáng tác một chuyện truyền kỳ ngắn? Nếu bảo khoảng cách thời gian quá xa, trải qua nhiều cuộc dâu bể biến thiên trong dòng lịch sử, nhân thân Lý Triều Uy bị lãng quên, tác phẩm của ông bị thất tung, chỉ còn lại duy một truyện truyền kỳ Liễu Nghị, thì lại càng không thể chấp nhận. Kim, Nguyên, Thanh có đô hộ Trung Hoa, nhưng các triều đại này tôn quý học thuật tư tưởng của nước bị trị, nên đã gìn vàng giữ ngọc các tác phẩm của Trung Hoa. Họ không làm công việc đốt sách, tịch thu sách quý, đốt phá đền đài mang dấu tích văn hóa, đập phá các bia chú dấu tích lịch sử như người Trung Hoa đã làm trong thời gian đô hộ Việt Nam. Vậy, tại sao Lý Triều Uy bị thất lạc nhân thân và tác phẩm chỉ trơ trọi có một câu chuyện ngắn (Nhà Đường kéo dài 289 năm với hai mươi mốt vua, Lý Triều Uy sống dưới triều vua nào của nhà Đường?) Rất có thể không có một nhân vật nào tên Lý Triều Uy. Lý Triều Uy chỉ là một ký hiệu chung của những quan lại chủ mưu xóa bỏ văn hóa, xuyên tạc gốc nguồn để dễ bề đồng hóa chủng tộc Việt ta.

Phân tích câu chuyện, nhận thấy dễ dàng chủ mưu trên của họ:

Theo sách sử cũng như nhân gian truyền tụng: Vua đầu tiên của nước ta là Kinh Dương vương, lấy con vua Động Đình là nàng Thần Long (1) sinh ra Sùng Lãn tức Lạc Long quân.

Trong truyện truyền kỳ do Lý Triều Uy chép, đã kể lại chuyện Liễu Nghị đời Đường Cao Tông, năm Phụng Nghị đi thi không đỗ, lấy con gái út của vua Động Đình.

Theo gốc nguồn ta, vua Kinh Dương vương húy là Lộc Tục, con thứ của Đế Viêm và Vụ Tiên nữ. Lộc Tục thánh trí thông minh.

Truyện truyền kỳ Liễu Nghị của Lý Triều Uy lại viết: “con thứ của Long Xuyên (2) là chồng của con gái út Động Đình quân, chơi bời lêu lổng, đắm say tì nữ, nhẹ nghĩa vợ chồng.”

Đã tả con thứ của Long Xuyên là kẻ vô phẩm hạnh, còn viết cả vợ chồng Long Xuyên cũng là hạnh chẳng ra gì.

Theo gốc nguốn ta, dòng dõi Kinh Dương vương đông đảo, tài đức, là tổ của Bách Việt.

Truyện truyền kỳ Liễu Nghị của Lý Triều Uy viết: vì bạc nghĩa phu thê, nhân phẩm ti tiện nên con thứ của Long Xuyên đã bị rồng thần của Tiền Đường, em ruột Động Đình quân giết chết, ăn tươi.

Câu chuyện này không có ảnh hưởng gì đến niềm tin gốc nguồn của tuyệt đại đa số quốc dân, trải qua từng thế hệ nối tiếp. Nhưng lại làm lung lay rung chuyển cội nguồn trong lòng một số sử quan như sử thần Ngô Thời Sĩ thời Lê Trung Hưng như mười bốn vị sử quan trong Quốc Sử Quán triều vua Tự Đức.

VŨ NINH



ĐỌC THÊM:


Mời đọc thêm "Huyễn Hoặc Ư? Mê Tín Dị Đoan Ư". Vui lòng trở lai "Trang Chính", tìm tiêu đề "Huyễn Hoặc Ư? Mê Tín Dị Đoan Ư" hoặc: Vào trang chính, chọn "Thư Viện", tìm tiêu đề "Huyễn Hoặc Ư? Mê Tín Dị Đoan Ư?"






Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn