ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN - LITTLE SAIGON  - WESTMINSTER - CALIFORNIA
TRẦN HƯNG ĐẠO FOUNDATION (ĐỀN THÁNH TRẦN LITTLE SAIGON)
9078 BOLSA AVENUE tức ĐẠI LỘ TRẦN HƯNG ĐẠO - WESTMINSTER - CA 92683
ĐIỆN THOẠI: (657) 296-7889 | EMAIL: denthanhtran2022@gmail.com| WEBSITE: https://denthanhtran.org và tranhungdaofoundation.org
MỞ CỬA HÀNG NGÀY TỪ 10 GIỜ SÁNG ĐẾN 4 GIỜ CHIỀU KỂ CẢ CUỐI TUẦN & NGÀY LỄ - CHÀO CỜ THỨ BẢY MỖI ĐẦU THÁNG LÚC 10AM

Ý NGHĨA QUỐC HIỆU THỜI KHAI SÁNG ĐẤT NƯỚC

12 Tháng Hai 202210:57 CH(Xem: 4386)
BV QUOC HIEU 1
Ý NGHĨA QUỐC HIỆU THỜI KHAI SÁNG ĐẤT NƯỚC

TRẦN LAM GIANG
(trích “Kỷ Yếu Thư Viện Việt Nam 2002")


denthanhtran.org cảm ơn Trung Tâm Nghiên Cứu Văn Hóa Việt Nam thuộc VHV Foundation,
luocsutocviet.com (bản đồ của Quốc Toản)

 

Theo dân gian truyền tụng cũng như theo sử sách mà nay còn giữ được qua những thăng trầm của lịch sử, vua đầu tiên của nước ta là Kinh Dương vương, quốc hiệu là Xích Quỷ.


Vua thứ hai là Lạc Long quân, quốc hiệu không thay đổi.


Vua thứ ba là Hùng vương thứ nhất, quốc hiệu là Văn Lang. Quốc hiệu này được giữ cho đến hết triều đại Hùng vương (Hùng vương thứ 18).


1- KINH DƯƠNG VƯƠNG VỚI QUỐC HIỆU XÍCH QUỶ


Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của sử gia Ngô Sỹ Liên (không sai khác với dân gian truyền tụng):


“Vua húy là Lộc Tục, dòng dõi họ Thần Nông. Cháu ba đời đế Viêm, họ Thần Nông là đế Nghi, sinh đế Minh rồi đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh, lấy Vụ tiên nữ mà sinh ra vua. Vua thánh trí thông minh, đế Minh rất kỳ vọng, muốn truyền ngôi cho. Vua không dám vâng mệnh, cố nhường cho anh. Vì thế, đế Minh mới lập đế Nghi làm con kế vị, cai trị phương Bắc, và phong vua làm Kinh Dương vương, cai trị phương Nam, tên nước là Xích Quỷ.”


Kinh Dương vương nghĩa là vua châu Kinh và châu Dương.


Sách Thượng Thư, bộ sử cổ nhất của Trung Hoa, được đức Khổng Tử biên soạn lại, cho biết:


“Vùng cao nguyên các dãy núi Kinh và núi Hành cùng các vùng đất bên bờ thượng lưu sông Giang (Trường Giang hay Dương Tử - "Long river", "Yangzi", "Changjiang"), sông Hà, sông Hán là châu Kinh. Duyên hải, châu thổ sông Hoài, sông Tứ và châu thổ hạ lưu sông Giang là châu Dương.”


Như vậy, châu thổ dọc sông Trường Giang (Dương Tử) và châu thổ các phụ lưu của Trường Giang cùng miền duyên hải, nơi các sông ấy đổ ra biển là lãnh thổ do Kinh Dương vương cai trị.


XÍCH QUỶ 鬼:


- Xích là đỏ, mầu của lửa. Hơi lửa ấm áp, biểu tượng cho lòng nhân ấm áp. Lại có câu: “Nam phương hỏa đức thịnh 南 方 火 徳 盛 nghĩa là người phương Nam giầu lòng nhân (nghĩa đen là phương Nam đức lửa thịnh).


Về đức nhân của người phương Nam, đức Khổng Tử có giảng cho thày Tử Lộ như sau:

第 十 章

 子 路 問 強. 子 曰: 南 方 之 強 與? 北 方 之 強 與? 抑 而 強 與? 寞 柔 以 教 ,不 報 無 道 :南 方 之 強 也. 君 子 居 之. 衽 金 革, 死 而 不 厭: 北 方 之 強 也 而 強 者 居 之. 故 君 子 和 而 不 流. 強 哉 矯. 中 立 而 不 倚. 強 哉 矯. 國 有 道, 不 變 塞 焉. 強 哉 矯. 國 無 道 ,至 死 不 變. 強 哉 矯 .

Phiên âm:

Tử lộ vấn cường. Tử viết: «Nam phương chi cường dư ? Bắc phương chi cường dư? Ức nhi cường dư ? Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo: Nam phương chi cường dã. Quân tử cư chi. Nhẫn kim cách, tử nhi bất yếm: Bắc phương chi cường dã cường giả cư chi. Cố quân tử hòa nhi bất lưu. Cường tai kiểu ! Trung lập nhi bất ỷ. Cường tai kiểu ! Quốc hữu đạo, bất biến tắc yên. Cường tai kiểu ! Quốc vô đạo, chí tử bất biến. Cường tai kiểu ! »

Nghĩa câu phiên âm chữ đỏ:

“Rộng rãi hiền hòa dạy dỗ người, không trả thù kẻ vô đạo, đó là sức mạnh của người phương Nam. Người quân tử chủ trương như vậy. Mặc giáp cầm gươm đến chết cũng không chán, đó là sức mạnh của người phương Bắc. Người ưa bạo lực chủ trương cách này”


- QUỶ 鬼 : Sao Quỷ, một ngôi trong nhị thập bát tú. Ở sách Luận Ngữ, thiên Vi Chính Đệ Nhị, Khổng Tử có dạy các đệ tử rằng:

子曰:非其鬼而祭之,諂也。


Phiên âm:


“Tử viết: Phi kỳ quỷ nhi tế chi, siểm giã.”


Dịch nghĩa:


“Không phải tổ tiên mình mà cúng tế là nịnh hót vậy.”


Theo nghĩa xưa, 人 神 曰 鬼 nhân thần viết quỷ: linh hồn con người gọi là quỷ; thiên thần viết thần 天 神  曰 神; địa thần viết kỳ 地 神 曰 示,thần trên trời là thần, thần đất là kỳ. (Chữ kỳ 示 là thần đất còn được viết là 祇 )


Như vậy, chữ quỷ còn có nghĩa là linh hồn: giá trị tinh thần sáng suốt như sao và bất diệt.


Từ ý nghĩa của chữ “xích” và chữ “quỷ” như đã trình bày ở trên, ta hiểu được rằng: Kinh Dương vương đặt tên quốc hiệu là Xích Quỷ nhằm mục đích xác định nước ta là nước của những người có lòng nhân, người đối đãi với người bằng tấm lòng thương yêu. Con người không phải chỉ là thân xác hữu hình hữu hoại như muôn loài cây cỏ. Ngoài thân xác, con người còn giá trị tâm linh sáng như sao trời và linh hồn vĩnh cửu.


2- HÙNG VƯƠNG VỚI QUỐC HIỆU VĂN LANG:


Học giả tây dương H. Maspero (dựa vào mấy cuốn ngoại thư, không phải chính sử như Thủy Kinh Chú, Nam Việt Chí, Giao Châu Ngoại Ký của Trung Hoa) viết rằng phải gọi là Lạc vương 雒 王 mới đúng, gọi Hùng vương 雄 王  là sai. Chẳng qua chữ Lạc 雒  và chữ Hùng 雄  rất giống nhau nên nhà viết sử Việt Nam viết lầm.


Các nhà viết sử xưa của nước ta là Lê Văn Hưu, Ngô Sỹ Liên, những nhà Nho học uyên bác, sao lại có thể viết lầm như H. Maspero tưởng. Chẳng qua nhà học giả tây dương này đọc được vài cuốn ngoại thư không có giá trị bao nhiêu về lịch sử Việt, đã vội tự tin là có kiến thức xác đáng về sử nước ta. Ông chưa tố nguyên (tìm nguồn gốc) chữ 雒  (lạc). Sách Tiền Hán Địa Lý Chí – Khang Hy Tự Điển cũng có trích dẫn như là một tài liệu tố nguyên – có ghi: “Nhà Hán 漢  thuộc hành hỏa, kỵ nước. Do vậy, vua Quang Vũ nhà Đông Hán, đổi chữ 洛 (có bộ “thủy” là nước ở bên trái chữ này) ra chữ 雒 . Vua Quang Vũ nhà Hán phục hưng Hán triều năm 23 dương lịch. Như vậy chữ 雒  nếu có sớm nhất cũng chỉ có từ năm 23. 18 vua Hùng đều ở ngôi trước năm này rất xa, thời các ngài chưa có chữ 雒 (lạc) này.

Vua Hùng vương thứ nhất lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang. Các Hùng vương đều giữ quốc hiệu này.


- VĂN LANG 文郎  NGHĨA LÀ GÌ?  


Ở thế kỷ 20 có những nhà tân học hấp thụ văn hóa tây dương, có thiện chí về nguồn, nhưng kiến thức về cựu học chưa thấu đáo nên vấp phải những sai lầm khi bàn về quốc sử. Chẳng hạn như hiểu một cách nông cạn ý nghĩa Xích Quỷ, theo nghĩa đen đời nay là Quỷ Đỏ rồi phủ nhận quốc hiệu này. Lại có người suy đoán một cách phóng đãng rằng “xích” là “trần truồng”, có lẽ xưa ta sống man rợ hung hãn, không biết mặc quần áo, thân thể lõa lồ, nên người Tàu gọi ta là Xích Quỷ, tức là loại quỷ lõa thể.

Về Văn Lang, có những nhà viết sử không tìm về nguồn gốc nghĩa xưa của chữ, đã giảng rằng “Lang” là “chàng”, “người đàn ông”; “Văn” là “có học”, “có trí thức”. Vậy (theo họ) Văn Lang là người đàn ông có văn học.

Lại có người giảng: đọc Văn Lang là sai, phải đọc là Văn Làng mới đúng.

Những vị này đã quan niệm quốc hiệu quá hẹp hòi.

Nước không thể biểu tượng bằng một người đàn ông văn học. Nước gồm rất nhiều người đàn ông văn học, cùng rất nhiều bậc nữ lưu và tất cả quốc dân, vì cảnh ngộ, nhiều người không có văn học.

Nước gồm nhiều tỉnh, phủ, huyện, làng, xóm. Tên nước sao lại chỉ thu hẹp vào một làng (văn làng)? Dù là làng văn! Càng chướng hơn khi bảo quốc hiệu là Văn Làng, một danh từ Hán Nôm lẫn lộn, lại sai ngữ pháp Việt Nam.

- VĂN 文 theo nghĩa xưa, là đạo trời, là chân lý. Sách Luận Ngữ, thiên “Tử Hãn đệ Cửu” có ghi lời Khổng Tử khi bị người đất Khuông vây khốn, bảo học trò:

子畏於匡,曰:“文王既没,文不在兹乎?天之将丧斯文也,后死者不得与於斯文也;天之未丧斯文也,匡人其如予何?”


Phiên âm:

Tử úy ư Khuông, viết: Văn Vương ký một, văn bất tại tư hồ? Thiên chi tương táng tư văn giã. Thiên chi vị táng tư văn giã, Khuông nhân kỳ như dư hà?” “Văn vương ký một, văn bất tại tư hồ - Thiên chi tương táng tư văn giã. Thiên chi vị táng tư văn giã, Khuông nhân kỳ như dư hà?”

Dịch nghĩa:


Khổng Tử bị người đất Khuông vây khốn, bảo các đệ tử rằng: “Văn vương đã mất, đạo trời bây giờ không gửi ở ta hay sao? Nếu lòng trời muốn bỏ đạo thì kẻ chết sau Văn vương là ta không được tham dự việc thể hiện đạo trời. Nếu lòng trời chưa nỡ bỏ đạo thì đất Khuông không làm gì được ta.”

- LANG 郎 : chữ lang 郎 gồm chữ lương 良 là lương thiện bên bộ ấp 邑 là vùng đất có biên giới phân minh, tức lãnh thổ (về sau, chữ ấp 邑  dùng để chỉ vùng đất nhỏ như thôn ấp).

Lương và Ấp hợp thành chữ Lang, nghĩa là lãnh thổ của những người lương thiện, cùng nhau thể hiện sứ mạng trời trao phó cho con người, gọi là thiên lương 天良  .


Nước Văn Lang
nước của những người dìu dắt nhau sống đời lương thiện, chỉ bảo nhau làm sứ mạng thiên lương, thuận với đạo trời, lấy nhân tính là đức nhân làm lẽ sống.

 

PHẦN PHỤ CHÚ:


ĐỀN HÙNG: Lăng các vua Hùng, xưa đều ở trong thành Văn Lang (lấy tên nước đặt tên thành ở chốn đế đô là Châu Phong). Qua nhiều thăng trầm biến thiên của lịch sử, đến đời Trần, thành Văn Lang và đền thờ Lý Ông Trọng – tức Lý Thân, danh nhân đời Hùng vương thứ 18 – vẫn tồn tại. Sau gặp cơn quốc nạn giặc Minh xâm lược, với chủ trương xóa bỏ gốc cũ cùng văn hóa truyền thống của nòi giống Việt, giặc đã đốt phá thành quách, đền đài, bi chú (bia có khắc chữ ghi chú những điều liên quan đến lịch sử và văn học), đốt sách ta, tịch thu sách quý đem về Tàu. Trong họa ấy, thành Văn Lang, lăng mộ Hùng vương, đền thờ các danh nhân của dân tộc bị phá hủy rất nhiều. Đời Lê và đời Nguyễn trùng tu.

Trong khi đối đáp văn thơ với sứ giả nhà Minh, Phạm Sư Mạnh có viết:

玉 珥 寒 光 侵 廣 野,
傘 圓 霽 色 照 昇 龍。
文 郎 城 古 山 重 疊,
翁 仲 祠 深 雲 淡 濃。
 

Phiên âm:

Ngọc Nhị hàn quang xâm quảng dã,
Tản Viên tễ sắc chiếu Thăng Long.
Văn Lang thành cổ sơn trùng điệp,
Ông Trọng từ thâm vân đạm nồng.


Dịch nghĩa:


Sông Nhí quý báu như ngọc, làm tươi sáng mát mẻ đồng đất bao la

Khi trời quang đãng, sắc núi Tản Viên chiếu soi đến Thăng Long

Thành cổ Văn Lang núi non trùng điệp

Đền thờ Ông Trọng thâm nghiêm, sắc mây khi nhạt khi đậm.

 

Phạm Sư Mạnh là một danh Nho, học trò của Chu Văn An. Đỗ Thái học sinh (tức Tiến sĩ) triều vua Trần Minh Tông (1314-1329).

 

QUỐC HIỆU VIỆT NAM CÓ TỪ BAO GIỜ?


- Hồ Tông Thốc, danh Nho đời Trần, đậu Trạng Nguyên dưới triều Trần Nghệ Tông (1370-1372), có viết tác phẩm Việt Nam Thế Chí.              


- Nguyễn Trãi, khai quốc công thần của Lê Thái Tổ (Lê Lợi – 1428-1433). Ông là bậc anh hùng, là nhà tư tưởng, là nhà thơ, nhà văn. Trong sách Dư Địa Chí do ông là tác giả có ghi: “Vua đầu tiên là Kinh Dương vương, sinh ra có thánh đức, được phong tại Việt Nam, là tổ của Bách Việt.” (Tiên quân Kinh Dương vương, sinh hữu thánh đức, thụ phong Việt Nam, vi Bách Việt tổ)


- Lý Tử Tấn, danh Nho đời Lê, cùng thời với Nguyễn Trãi, thông luận tác phẩm Dư Địa Chí, có viết: “Tương truyền vua đầu tiên của nước Việt ta là Kinh Dương vương, dòng dõi đế Viêm. Cha ngài là đế Minh đi tuần đến Nam Hải gặp nàng Vụ tiên nữ, lấy làm vợ, sinh con đặt tên là Lộc Tục. Lộc Tục thần thái đoan chính, có thánh đức, vua cha rất yêu quý, muốn truyền ngôi. Lộc Tục hết sức từ chối, cố nhường cho anh mình ngôi báu. Đế Minh bèn phong Lộc Tục cai trị Việt Nam, tức là Kinh Dương vương.”

(Ngã Việt chi tiên, tương truyền thủy kinh viết Kinh Dương vương, Viêm đế chi duệ. Vương phụ đế Minh tuần thú chí Nam Hải, ngộ Vụ tiên nữ, nạp chi. Sinh tử Lộc Tục, thần thái đoan chính, hữu thánh đức. Đế ái chi, dục lập vi tự. Vương cố nhượng kỳ huynh. Đế Minh nãi phong chi Việt Nam, thị vi Kinh Dương vương).


TRẦN LAM GIANG

(KỶ YẾU THƯ VIỆN VIỆT NAM, LITTLE SAIGON, 2002)

 

 

 ĐỌC THÊM:

TRƯNG BẰNG CHỨNG QUÂN ÂN THƯƠNG ĐÁNH XÍCH QUỶ: TRUYỆN PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG CÓ THẬT


TÊN VIỆT LÀ DO TỔ TIÊN CHÚNG TA ĐẶT RA – DỨT KHOÁT KHÔNG PHẢI DO BỞI NGƯỜI TÀU
 

 

                             

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn